Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Câu chuyện từ Bangladesh
Nông dân vùng nhiệt đới như ở Bangladesh sẽ làm gì khi mà năm này qua năm khác cảnh tượng họ thấy là đất đai nứt nẻ, nhà cửa bị ngập nước thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu?
Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Di dân và Người tị nạn, Đại học Dhaka tại 14 ngôi làng thuộc ba khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, lũ lụt và bão cho thấy người dân đang dời quê hương để tìm kế mưu sinh.
Tại các thành phố ở Bangladesh, đặc biệt là Dhaka ngày càng nhiều nông dân rời bỏ những nông trại làm ăn không hiệu quả để đi làm việc tại các thành phố.
Đàn ông thường tìm việc trong các công trình xây dựng, kéo xe, bán hàng rong; trong khi phụ nữ thì thường làm trong các xí nghiệp may mặc; người có học thức có thể tham gia vào ngành công nghiệp dịch vụ.
Những người dân Bangladesh tin rằng họ có thể chủ động giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan. Chẳng hạn khi đất canh tác bị ngập hoặc bị nhiễm mặn, người ta có thể tới thị trấn, kéo xe hoặc bán đồ chơi để kiếm sống qua ngày, rồi sau đó trở về nhà hy vọng vào một mùa vụ tốt hơn.
Ảnh: Globaldashboard.org
Di cư là một biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu
Thông thường, khí hậu không phải là một nguyên nhân của di cư, tuy nhiên trong thực tế, di cư hiện đang là một chiến lược thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giúp mọi người chuẩn bị và phục hồi sau các tác động và biến động môi trường.
Mặc dù vậy, di cư vẫn thường được xem là kết quả của sự thất bại trong phát triển nông thôn, chứ không phải là minh chứng cho sự thích ứng thành công đối với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy người dân nhận được rất ít hỗ trợ để rời khỏi khu vực dễ bị tổn thương, tìm các khu định cư mới hay trở về nhà. Cuối cùng, họ thường dừng chân trong các khu ổ chuột, khu định cư tạm bợ ven các thành phố, những nơi dễ bị ảnh hưởng do lũ lụt và các rủi ro khác.
Các nhà hoạch định chính sách cần coi giúp đỡ người dân rời khỏi vùng nguy hiểm như một cách để đối phó với biến đổi khí hậu, nếu không, những con người nghèo khổ đó có thể vô tình di chuyển tới các khu vực dễ bị tổn thương hoặc vẫn bị kẹt trong các điều kiện sống nguy hiểm.
Các chính sách hạn chế di cư hiện tại chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Để giải quyết vấn đề, các quốc gia cần có các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho di cư nội địa trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn như một hình thức để thích ứng với biến đổi khí hậu. Mở rộng các tuyến đường di cư hiện có hay thừa nhận di cư là một hình thức thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu.