Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các nơi còn tồn tại nhiều lò giết lậu là huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa.
Lỗi tại xã, phường?
Trước đây, khi chưa ráo riết chỉ đạo việc đóng cửa các lò giết mổ lậu, toàn tỉnh có đến trên 300 lò giết mổ lậu. Sau gần 2 năm thực hiện, đã dẹp được hơn 100 lò giết mổ lậu. Hầu hết các địa phương đều tự nhận là chưa thật sự cương quyết trong việc đóng cửa các lò giết mổ lậu.
Thịt heo Đồng Nai bán tại chợ đầu mối Tân Xuân TP. Hồ Chí Minh luôn có giá cao hơn 2-3 ngàn đồng/kg so với heo các tỉnh khác.
Bà Vũ Thị Minh Châu, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, thừa nhận: “Hiện nay, huyện vẫn còn gần 50 cơ sở giết mổ lậu. Dù huyện đã giao trực tiếp cho các xã phải dẹp, nhưng nhiều xã vẫn chưa cương quyết khiến giết mổ lậu vẫn còn nhiều”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, thành phố còn để xảy ra nhiều lò giết mổ lậu là do chính quyền các phường, xã còn nể nang, chưa dứt khoát. Từ nay đến cuối năm, TP. Biên Hòa sẽ nỗ lực đóng cửa tất cả các lò giết mổ lậu đang tồn tại.
Trong khi đó, các lò giết mổ đúng quy hoạch và tiêu chuẩn lại đang… ế dài. Ông Hoàng Cử, chủ một lò giết mổ hiện đại, đảm bảo các quy trình về an toàn thực phẩm ở huyện Cẩm Mỹ than: “Tôi đầu tư hơn 10 tỷ đồng làm cơ sở giết mổ đạt chuẩn với công suất khoảng 200 con/ngày, song hoạt động hơn 1 năm nay chỉ được 1/5 công suất, vừa đủ trả công thợ. Các thương lái không chịu mang heo đến lò mổ của tôi là vì chính quyền xã chưa thẳng tay dẹp hết giết mổ lậu”.
Do thiếu cương quyết
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo khẳng định: “Dẹp giết mổ lậu không khó, chỉ do các địa phương có cương quyết làm hay không. Biện pháp không mấy khó khăn mà tự triệt tiêu được các lò giết mổ lậu là quản lý thật chặt thịt vào các chợ, thấy heo không dấu kiểm dịch của thú y là tịch thu tiêu hủy. Nếu làm liên tục trong một vài tháng, thương lái sẽ tự đem heo đến lò giết mổ có kiểm dịch”.
Một cơ sở phường Long Bình TP. Biên Hòa
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, ở một số huyện, tình trạng giết mổ “bát nháo” là do chính quyền còn thiếu cương quyết và chưa có lộ trình thực hiện cụ thể. Đơn cử như: Xuân Lộc, đầu năm 2012 huyện này có 85 lò giết mổ lậu, nhờ có lộ trình và cương quyết đến nay đã dẹp xuống còn 26 lò. Dự kiến sau khi hoàn thành một số lò giết mổ đạt chuẩn, huyện sẽ đóng cửa toàn bộ lò mổ trái phép và không đạt chuẩn.
Hiện tại, thịt heo Đồng Nai đã tạo được thương hiệu, giá bán luôn cao hơn thịt heo của các tỉnh khác, do đó đòi hỏi phải quản lý chặt từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và đưa thịt ra thị trường. Ông Phạm Minh Đạo yêu cầu từ nay đến cuối năm các nơi phải cơ bản dẹp được giết mổ lậu. “Ngành thú y Đồng Nai sẽ thanh lọc lại, không để xảy ra các vụ việc tiêu cực như trường hợp cán bộ thú y huyện Trảng Bom tiếp tay cho thương lái biến heo bẩn thành heo sạch” - ông Đạo nói.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đề xuất, muốn dẹp nạn giết mổ lậu, các địa phương cần xây dựng các lò giết mổ đạt chuẩn và đặt ở nơi thuận tiện. Sau đó, kiểm tra gắt gao thịt tại các chợ, nếu phát hiện heo không dấu kiểm dịch ngoài việc đem đi tiêu hủy, thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng cho người tiêu dùng biết để “tẩy chay” không mua thịt tại các sạp này.