Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Còn đâu chiếu chèo

(10:11:14 AM 03/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Nhắc đến chèo Nam Định, một thời người ta có thể kể tên chính xác từng làng chèo thuộc các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Giao Thủy… Giọng chèo đã từng làm nức lòng hàng trăm ngàn người giờ đây chỉ còn là ký ức.

 Những hạt bụi vàng

 

Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong một ngõ hẻm thuộc xóm 2 xã Đặng Xá huyện Mỹ Lộc (Nam Định), ông Đặng Minh Tiến, 80 tuổi hồ hởi kể về những buổi diễn của ông tại khắp các vùng quê từ năm ông lên 10 đến nay. Ông tự hào và hãnh diện: “Có những buổi tối diễn tại sân đình, trời mưa như trút nước tưởng sẽ phải hoãn buổi diễn nhưng người vẫn nườm nượp kéo đến, họ mang theo áo mưa đứng chật kín sân đình càng khiến mình phải diễn cho tốt”.

Ông Đặng Minh Tiến đã giữ lửa và truyền lửa cho nhiều thế hệ, những người học trò của ông như bác Thanh Hường, Bích Phượng (tên thường gọi là bác Khừng, bác Bé) đã theo ông trong những lần lưu diễn giữa bom rơi, đạn lạc: “Chúng tôi đã đứng trên ụ pháo để hát, khi ấy tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rú cũng không làm cho chúng tôi sợ hãi, tiếng hát đã át tiếng bom”. Bác Khừng chia sẻ với chúng tôi về giây phút bác cùng với những người anh, người chị, người bạn trong đội chèo đã phục vụ kháng chiến. Niềm tự hào khiến những nếp nhăn trên khuôn mặt của người phụ nữ giãn ra và bác Khừng hát lại lời bài hát Khâu áo tặng người chiến sĩ mà bác đã từng thể hiện trong trận càn quét khi xưa.

Những người trẻ trong đội chèo vơi dần và gần như không còn những nhân tố mới xuất hiện nhưng hoạt động của đội chèo vẫn diễn ra thường xuyên, khác chăng là thay vì mất vài ngày để tập luyện thì bây giờ chục ngày, thậm chí là một tháng để các bác, các ông mới có thể biểu diễn: “Ngày xưa chỉ đọc vài ba lần là thuộc những lời thoại, nhớ được những động tác bây giờ phải đọc đi đọc lại nhiều lần, làm đi làm lại nhiều lần, cả khi ru cháu ngủ cũng mang ra để tập…”.

 

Nghệ thuật chèo thời hưng thịnh đã trở thành niềm cảm hứng sáng tạo của nhiều nghệ sĩ bậc thầy. (Một tác phẩm của họa sĩ Bùi Xuân Phái về nghệ thuật chèo).

 

 Ngày càng mai một

 

Vào những năm 90 của thế kỷ 20, muốn xem nghệ thuật chèo, người ta phải xếp hàng mua vé. Còn mỗi khi văn công về làng là trống rung, cờ mở, bà con nô nức đi xem như trẩy hội. Nhưng bây giờ trong xu thế hội nhập và phát triển, công nghệ truyền thông đại chúng ngày càng hiện đại, đa dạng, phong phú, hấp dẫn và tiện lợi đã dần lấn át cái duyên của chèo.

Là anh cả trong đội chèo của xã Giao Hà, huyện Giao Thủy nên kỷ niệm còn đọng lại trong ký ức của bác Xuân Thỉnh là những bữa cơm chỉ có rau, có mắm; là những ngày trời mưa lớn kéo dài cả tuần, đoàn chèo phải dựng lều, dựng trại ở Giao Thanh để diễn. Những ngày ấy, không ai kêu khổ, đi đâu họ cũng được mọi người ủng hộ, chỉ một giờ khi sân khấu hoàn thành, tiếng hát chèo, tiếng đàn, tiếng nhị cất lên, hàng trăm người kéo đến chật kín sân. Năm đời làm nhạc và hát chèo, bác nhớ mình đã được học hát chèo và sử dụng trống phách từ người cha của mình. Bác nhớ ngày ba người con của bác còn nhỏ cũng theo bác đi biểu diễn nhưng bây giờ không còn ai đi theo nghiệp chèo. Trong câu chuyện của bác ngập tràn sự tiếc nuối, chua xót. Không phải theo nghiệp chèo mà chỉ học hát chèo để vui, để giữ lại hồn khí của quê hương, của dân tộc cũng khó. Có năm, bác đã đề xuất với ủy ban xã tổ chức những lớp dạy hát cho học sinh nhưng cũng không có người đăng ký. Trẻ con ở quê còn đi làm đồng làm áng, đứa có điều kiện hơn thì đi học thêm còn nếu muốn nghe nhạc, chúng mở ti vi. Nghe những bài hát thịnh hành, đứa nọ kháo đứa kia mua băng, mua đĩa, nghe xong rồi trôi tuột...

 

Ông thở dài: “Tiếc lắm chứ nhưng biết làm thế nào được? Hoạt động của tổ chèo bây giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn, người trong đội chèo vì hoàn cảnh gia đình phải rời bỏ gánh chèo đi làm ăn, chỉ còn lại ít người vì quá tâm huyết với nghề và không thể từ bỏ nghề ông cha để lại mà vẫn ở lại sống cùng với nghề”.

Bác Vũ Đức Kiệm (Giao Thanh, Giao Thủy) đưa cho chúng tôi kịch bản vở chèo Song tấu vui về môi trường bác mới hoàn thành nhưng vì chưa đủ diễn viên nên không thể phân vai được. Bác nói: “Người hát chèo cũng có công việc riêng của họ, không như trước kia, chỉ cần gọi một tiếng là có người đến tập, diễn. Giờ muốn diễn thì gọi điện cho mọi người thu xếp công việc rồi sau vài hôm, họ sẽ về, diễn xong lại đi, cũng chỉ vì sự nhiệt tình và say mê với nghề nên mới được như vậy”. 

Ông Bùi Văn Khôi, Trưởng phòng Văn hóa huyện Giao Thủy cho biết: “Giao Xuân xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng từ 2006 và năm ngoái đã được chuyển đổi thành hợp tác xã du lịch, tổ văn nghệ gồm gần chục người bao gồm nhạc công và diễn viên với loại hình chủ yếu là chèo. Người mình có thể không mặn mà nhưng khách du lịch nước ngoài rất thích thú. Họ nói họ muốn xem một loại hình văn hóa còn nguyên bản, không sân khấu hóa, không cần trang điểm, diễn viên là những người đi làm đồng, chân tay còn lấm bùn”.

NSƯT Bùi Huy Soái, Giám đốc Nhà hát chèo Nam Định xót xa khi nền âm nhạc truyền thống đang ngày càng mai một, đã không ngừng đề xuất những giải pháp và mong muốn những giải pháp đưa ra không bị lãng quên: “Họ coi đơn vị nghệ thuật là nhà, là một phần cơ thể của chính họ. Chính vì thế, cần có không khí hòa thuận, sự chăm lo đời sống vật chất, tinh thần giúp họ có được sự đoàn kết, đồng lòng cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ”.

PHẠM THÀNH SƠN (SGGP)