Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vừa làm rẫy, vừa lo sợ
Những ngày này, đàn voi hoang dã khoảng 30 con thường xuyên xuất hiện trên nương rẫy của người dân xã Ia J’Lơi, huyện Ea Súp. Mặc dù những nông dân có kinh nghiệm đã quyết liệt đuổi voi bằng mọi biện pháp, nhưng cũng có gần 4ha lúa, bắp, sắn chuẩn bị thu hoạch bị voi ăn hết.
Ông Nguyễn Văn Hài (ở thôn 3) cho biết: “Đêm nào có nhiều người thì mới dám ngủ lại chòi rẫy để canh chừng thôi. Vụ này tôi làm 1ha bắp lai, năng suất khoảng 50 tạ, trừ hết chi phí cũng lãi ít nhất 15 triệu đồng. Nhưng chuẩn bị thu hoạch thì voi phá sạch, tính ra thiệt hại gần 30 triệu đồng cả vốn đầu tư”.
Theo ông Nguyễn Văn Long – Chủ tịch UBND xã Ia J’Lơi, đàn voi này xuất hiện khoảng 2 tuần nay, cứ chập choạng tối là chúng từ trong rừng tiến ra nương rẫy kiếm ăn và phá phách. Hiện đang là mùa thu hoạch nông sản nên rất khó đuổi voi. Còn tại xã Ia R’Vê, từ ngày 20.7 đến nay cũng có một đàn voi rừng khoảng 15 – 17 cá thể, nay mới có 5 hộ báo thiệt hại khoảng 3,5ha.
Một rẫy đậu xanh ở xã Ia R’Vê bị voi rừng phá sạch.
Ông Lê Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền địa phương cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động người dân dùng các biện pháp thông thường như đốt lửa, khua gõ soong nồi để đuổi voi.
Di dân chạy… voi rừng
Trước đây vùng rừng ở huyện Ea H’leo do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả quản lý là sinh cảnh ưa thích của một đàn voi rừng gần 40 cá thể. Sau khi tỉnh cho 4 doanh nghiệp thuê đất trồng cao su, đàn voi này đã di chuyển sang lãnh thổ Campuchia nên huyện này hết voi.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk, toàn bộ diện tích rừng còn lại ở Buôn Đôn và Ea Súp hiện chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho voi. Do bị xua đuổi nên voi ngày hiện hung dữ hơn, từ năm 2011 đến nay đã có 2 vụ voi quật chết người đi làm rẫy. Theo ông Phạm Văn Láng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk – thì Việt Nam chưa có chương trình riêng về giải quyết xung đột người – voi.
Trước mắt, trung tâm đề nghị không tiếp tục chuyển đổi rừng nghèo, có chính sách hỗ trợ người dân, chỉ trồng các loại cây voi không thích ăn như ớt, ca cao, bông, gừng…
Một số khu vực cần di chuyển người dân đến nơi an toàn, trước hết là 42 hộ ở xã Cư M’lan canh tác trên lâm phần BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn, 7 hộ người Dao sinh sống trong lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Mơ…
Trung tâm đang tiếp tục lấy ý kiến người dân, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhằm đề xuất các biện pháp toàn diện để giải quyết xung đột người – voi.
Sở dĩ voi rừng tiến sâu vào vùng canh tác, gây thiệt hại ngày càng lớn là do rừng Đăk Lăk thu hẹp quá nhanh, trong đó rừng nghèo gần như đã khai hoang toàn bộ để trồng cao su. |