Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
.
Ảnh minh họa
Những nhiệm vụ trọng tâm
Theo phân tích của Giáo sư Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường-Bộ Tài nguyên và Môi trường: Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Do đó, việc ứng phó cũng phải đặt trong mối quan hệ toàn cầu và coi ứng phó không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai là trọng tâm.
Để đạt mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính thấp, ngay từ bây giờ, nước ta cần thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh theo địa bàn và theo ngành, lĩnh vực.
Mặt khác, thực hiện phân vùng chức năng sinh thái làm cơ sở để quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực và địa phương theo hướng phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng, hài hòa với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đi đôi với việc thiết lập, ứng dụng các mô hình dự báo tổng thể tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường và kinh tế-xã hội.
Trong đó điều cấp thiết là áp dụng thí điểm phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cho lưu vực sông, vùng ven biển, sau đó nhân rộng mô hình này ra cả nước. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu theo chuẩn quốc tế, có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu.
Nhiệm vụ trọng tâm trước tiên là tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu bảo đảm độ tin cậy, tính khách quan, cụ thể cho giai đoạn đến năm 2030 và 2050. Đồng thời mở rộng, phát triển, hiện đại hóa hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn với giám sát, cảnh báo khí hậu.
Các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững chống chịu với biến đổi khí hậu, tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, đảm bảo sinh kế cho nhân dân, đặc biệt ở những vùng có nguy cơ bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Tổng kết thực tiễn để hoàn thiện, phát triển phương châm “4 tại chỗ” trong phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu.
Cần nghiên cứu, áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái. Phục hồi, đẩy mạnh việc trồng rừng chắn sóng, chắn cát, chắn ngập mặn ven biển để phát huy vai trò “lá chắn tự nhiên” rừng phòng hộ đầu nguồn để giữ nước và giảm lũ lụt, bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Về đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động xấu của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng, trước hết phải xây dựng, cập nhật bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản biến đổi khí hậu đến cấp xã. Từ đó rà soát quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư ven biển; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; phục hồi phát triển các hệ sinh thái tự nhiên phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên nhằm tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính, cần xây dựng hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia; bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho kiểm kê khí nhà kính định kỳ. Xây dựng kịch bản phát thải cơ sở đến năm 2020 cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, quản lý sử dụng đất và chất thải. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xác định các cơ sở pháp lý để tiến tới hình thành, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước và thúc đẩy tham gia thị trường các-bon toàn cầu.
Các giải pháp chủ yếu
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng: Giải pháp trước hết là phát huy vai trò, làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần khắc phục tình trạng tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, mang tính hình thức, tư duy quá coi trọng tăng trưởng kinh tế, bỏ qua hoặc buông lỏng quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nên nhanh chóng đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình công tác, kể cả đưa vào chương trình giáo dục học sinh, sinh viên; chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chương trình hàng ngày của các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng năng lực, kỹ năng, phổ biến kinh nghiệm phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho nhân dân, bảo đảm mọi người dân và toàn xã hội luôn sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, thiên tai đã làm chết và mất tích hơn 10.000 người, thiệt hại về tài sản ước tính lên đến 1,5% GDP/năm.
Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp. Đồng thời thúc đẩy nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính đến năm 2012, việc khai thác năng lượng tái tạo ở nước ta mới chỉ đạt tổng công suất khoảng 550MW, chủ yếu là thủy điện nhỏ và sinh khối; điện gió, điện mặt trời quy mô nhỏ với tổng công suất lắp đặt chỉ đạt khoảng 10MW.
Để tăng cường quản lý nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật và các văn bản dưới luật trên lĩnh vực biến đổi khí hậu, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chủ động ứng phó cho công tác này. Cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục sự chồng chéo về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp không phù hợp, cũng như xây dựng cơ chế liên ngành, liên vùng và thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn nhân lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, giải pháp nên được coi trọng là Việt Nam chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế và phát triển quan hệ đối tác chiến lược; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách, hợp tác trong dự báo, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các nước về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, trước hết là Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cần triệt để tận dụng cơ hội toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để huy động nguồn lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó xây dựng hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, là quốc gia hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu.