Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cần thiết có lễ phục?
Đại diện ban tổ chức, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, yêu cầu thiết kế 4 mẫu lễ phục. Cụ thể gồm: Mẫu lễ phục của nam và nữ theo hướng hiện đại; Mẫu lễ phục của nam và nữ theo hướng truyền thống.
Các mẫu lễ phục phải mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam; khuyến khích thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước.
Theo ông Thành, đây là đề bài tương đối “mở”, không có định hướng hay áp đặt cho các nhà thiết kế, do đó, các nhà thiết kế có thể rộng đường sáng tạo.
Ở vòng chung khảo, từ 4 bộ lễ phục này, ban tổ chức sẽ chọn ra một bộ của nam, một bộ nữ để trao giải, vinh danh. Ông Thành lưu ý, cũng có thể chọn bộ theo hướng hiện đại, hoặc truyền thống.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Người Lao Động)
Thứ trưởng Bộ VHTT – DL Vương Duy Biên cho rằng, lễ phục thể hiện bản sắc văn hóa, tự tôn, tự hào dân tộc của của mỗi quốc gia. Nhất là nước ta, dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử. Hiện nay, giao lưu quốc tế mở rộng, nước ta cần có một bộ trang phục thể hiện khí thế đất nước, độc lập, tự chủ...
Cũng theo ông Biên, trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định lễ phục. Đẹp đến đâu, chưa bàn đến nhưng các quan chức của họ mặc lễ phục tiếp khách thể hiện bản sắc văn hóa của đất nước ấy. Nước ta cũng cần bộ trang phục đẹp, truyền thống nhưng thuận tiện cho giao tiếp quốc tế.
Không giống như các cuộc thi khác, sau khi có kết quả, trao giải xong rồi mang cất đi. Cuộc thi mẫu lễ phục sẽ chọn 20 bộ vào vòng chung khảo để cho trình diễn.
“Chúng tôi mời các nhà chuyên gia, hội đồng nghệ thuật, giới truyền thông cho ý kiến. Những người sẽ mặc trình diễn không phải 'chân dài' mà là những người ở độ tuổi, vóc dáng khác nhau. Đó là những người thật, cuộc đời thật... sẽ dùng lễ phục”, ông Biên nói.
Nên có hai mẫu lễ phục
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, trong dư luận vừa qua, vẫn còn những ý kiến về bộ lễ phục nên theo hướng hiện đại, cải cách từ Âu phục comple. Có ý kiến ngược lại, nên theo hướng truyền thống lấy tinh thần từ chiếc áo dài tuyền thống dành cho nam.
“Chúng tôi quyết định đưa ra cả hai phương án để phát huy tất cả tính sáng tạo của người thiết kế. Lễ phục theo phong cách hiện đại hay truyền thống đều được miễn là đẹp và đáp ứng các tiêu chí như ban tổ chức yêu cầu”, ông Biên nói.
Nếu tìm được mẫu lễ phục tốt, Bộ VHTT - DL sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, để dùng cho các lãnh đạo mặc đi ngoại giao. Nếu không, các nhà thiết kế cũng đã cống hiến thêm mẫu đẹp cho người tiêu dùng.
Thứ trưởng Vương Duy Biên (ngồi giữa) tại lễ phát động tuyển chọn thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam đề xuất nên có hai mẫu lễ phục theo cả hướng truyền thống và hiện đại.
Ví dụ, dịp lễ truyền thống như: Giỗ tổ Hùng Vương, trình Quốc thư... dùng bộ lễ phục truyền thống; dịp ngoại giao với quan khách, bạn bè quốc tế mặc bộ hiện đại.
“Tôi nhớ ông cựu Quốc vương Sihanouk của nước Campuchia, có khi ông mặc lễ phục truyền thống, nhưng có cơ hội ông cũng mặc Âu phục. Do vậy, tôi muốn chọn hai bộ lễ phục cho nam và hai bộ cho nữ để sử dụng vào mỗi dịp, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Như thế sự lựa chọn sẽ thoải mái hơn”, ông Quốc đề xuất.
Ông Quốc cũng cho rằng, trang phục cũng thể hiện cá tính và tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Khi chọn được lễ phục, để tự “nó” thuyết phục nhân nhân chứ không nên có sự bắt buộc.
Bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho rằng, hoàn toàn có thể có hai bộ lễ phục. “Bởi trên thực tế, truyền thống hay hiện đại là do người dùng lựa chọn. Chúng tôi không bắt buộc chỉ một bộ, chỉ cố gắng tìm ra bộ đẹp nhất”, bà Hương nói.