Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khoa Phụ sản ĐH Y Dược TP.HCM bị “hóa kiếp” thế nào?

(16:10:18 PM 30/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Thời gian qua, không ít sản phụ và người thân khi đến khám và điều trị tại địa chỉ 243A Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM không khỏi ngỡ ngàng vì cơ sở vật chất, nhân sự, khung cảnh bệnh viện thì vẫn như trước, nhưng bảng hiệu Khoa Phụ sản cơ sở IV- Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM thì tìm mãi chẳng thấy, thay vào đó là cái tên mới: Bệnh viện Phụ sản Mêkông.

 

 “Cá tư nuốt cá công”?

 

Vào thời điểm năm 2002, khi Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM cần có thêm một cơ sở thì Công ty Mêkông cũng đang có ý định thành lập một cơ sở y tế tại địa chỉ 243A Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình. “Cá nước gặp nhau”, BV ĐH Y Dược TP.HCM đã liên kết với công ty Mêkông lập ra Phòng khám Phụ sản ĐH Y Dược TP.HCM. Theo hợp đồng, BV ĐH Y Dược TP.HCM chịu trách nhiệm về chuyên môn, nhân sự. Công ty Mêkông đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất. Lợi nhuận thu được chia theo tỷ lệ 3/7 (BV ĐH Y Dược TP.HCM 30%, Công ty Mêkông 70%). Trong hợp đồng, hai bên cũng thỏa thuận BV ĐH Y Dược TP.HCM mỗi năm sẽ dành 1/2 lợi nhuận và bên Công ty Mêkông sẽ phải trích một khoản tương đương để cùng tái đầu tư cho cơ sở.

 

Từ một cơ sở nhỏ, năm 2006 cơ sở này được BV ĐH Y Dược TP.HCM chuyển đổi thành Khoa Phụ sản cơ sở IV - BV ĐH Y Dược TP.HCM. Những năm gần đây, bình quân mỗi ngày cơ sở khám và điều trị cho trên, dưới 1.000 lượt bệnh nhân. Đang là một thương hiệu uy tín và “ăn nên làm ra”, đùng một cái, sau ngày 27/3/2013, khi nhiều bệnh nhân, sản phụ quay trở lại để khám chữa bệnh, sinh nở thì tìm mãi bảng hiệu BV ĐH Y Dược TP.HCM chẳng thấy đâu, thay vào đó là cái tên mới “Bệnh viện Phụ sản Mêkông” (ảnh).

 

 

Lý giải cho việc “mất tích” một thương hiệu, đại diện hai bên gồm BV ĐH Y Dược TP.HCM lẫn Công ty Mêkông cho biết, cuối năm 2012, khi thời hạn hợp đồng sắp hết thì Công ty Mêkông thông báo với BV ĐH Y Dược TP.HCM về việc “chia tay nhau”, chấm dứt hợp đồng. Và, kết quả là Phòng khám Phụ sản cơ sở IV của BV ĐH Y Dược TP.HCM “biến mất” và BV Phụ sản Mêkông xuất hiện, từ một BV công tư liên doanh thì bây giờ đã là một BV tư nhân.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, khi Công ty Mêkông thông báo chấm dứt hợp đồng liên kết hoạt động, phía BV ĐH Y Dược TP.HCM cũng tìm nhiều cách để duy trì hợp tác nhưng tình hình vẫn không biến chuyển.

 

Theo ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó giám đốc Điều hành BV Phụ sản Mêkông, vì một số lý do, giữa hai bên (BV ĐH Y Dược TP.HCM và công ty Mêkông) thanh lý hợp đồng. Mọi tài sản và việc đào tạo nhân lực, Công ty Mêkông sẽ chi trả theo định giá. Tuy nhiên, cũng theo ông Ảnh, đến nay công tác bồi hoàn vẫn chưa xong.

 

Ai đã “bán” cơ sở?

 

“Nói là BV Phụ sản Mêkông nhưng là “bình mới rượu cũ”, bởi thực chất không có gì thay đổi nhiều. Nhân sự của Mêkông thì hầu hết vẫn là nhân viên của Phòng khám Phụ sản cơ sở IV- BV ĐH Y Dược TP.HCM chuyển qua. Phương tiện, trang thiết bị của BV Phụ sản Mêkông cũng kế thừa từ trước. Mình đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự thì Bộ mới duyệt cho làm BV chứ. Vì vậy chúng tôi được cấp phép rất nhanh, ngày 24/3 thẩm định, ngày 28/3 là có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh cho BV Phụ sản Mêkông", ông Ảnh cho biết thêm.

 

Liên quan đến việc “khai tử” Phòng khám Phụ sản cơ sở IV - BV ĐH Y Dược TP.HCM và "khai sinh" BV Phụ sản Mêkông có “công” không nhỏ của Bộ Y tế. Bởi, vào ngày 24/3/2013, khi đoàn công tác của Bộ Y tế đến BV Phụ sản Mêkông để tiến hành thẩm định thì nhân sự và một số cơ sở vật chất, thiết bị của Phòng khám Phụ sản cơ sở IV-ĐH Y Dược TP.HCM vẫn đang hoạt động. Thực tế, số nhân lực của BV phụ sản Mêkông lúc đó không khớp (thiếu) so với số nhân viên mà BV Phụ sản Mêkông báo cáo trong hồ sơ thẩm định nhưng Bộ Y tế vẫn cho qua. Bên cạnh đó, BV Phụ sản Mêkông cũng gom luôn phần giá trị tài sản cơ sở vật chất (phần mà BV ĐH Y Dược TP.HCM tái đầu tư trong hơn 10 năm liên doanh với công ty Mêkông) còn chưa thanh lý cho BV ĐH Y Dược TP.HCM vào hồ sơ thẩm định. Dù ông Nguyễn Văn Ảnh khẳng định, BV Phụ sản Mêkông thỏa thuận mua lại số tài sản đó từ BV ĐH Y Dược TP.HCM, nhưng thực tế đến giờ, chi phí này vẫn chưa được bồi hoàn. Với những thực tế như vậy, việc ngày 28/3/2013, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký quyết định cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho BV Phụ sản Mêkông đã để lại nhiều hoài nghi.

 

Việc ra đời, phát triển BV tư nhân, thay đổi tên, mô hình hoạt động… để đáp ứng nhu cầu xã hội nhìn chung là cần thiết và xác đáng, nhưng trong trường hợp này thì cần “xem lại”. Bởi nó không chỉ chuyển phần lợi nhuận (30%) mỗi năm mà cơ sở này mang lại cho BV ĐH Y Dược TP.HCM vào tay tư nhân mà còn dẫn đến việc từ đó về sau mức giá khám chữa bệnh tại cơ sở này cũng thoát khỏi sự ràng buộc của cơ chế BV công mà do tư nhân quyết định.

 

Dù ông Nguyễn Hoàng Bắc khẳng định: Sau khi chấm dứt hợp đồng, BV ĐH Y Dược đã rút hết biển báo, thông tin, logo của ĐH Y Dược TP.HCM và yêu cầu bên BV Phụ sản Mêkông không được sử dụng bất cứ thông tin gì liên quan, nhưng dư luận không khỏi thắc mắc vì sao một thương hiệu, một tài sản vô hình quý giá bao năm qua hàng trăm cán bộ nhân viên bỏ công sức, tâm huyết gây dựng lên mà BV ĐH Y Dược TP.HCM không thể giữ lại? Vì sao BV ĐH Y Dược TP.HCM để mất đi một nguồn nhân lực với hơn 270 người mà trong hơn 10 năm qua họ đã đào tạo?

QUỲNH MAI - TIẾN ĐẠT (PNO)