Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố Tin ảnh

(09:00:38 AM 30/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Thức ăn đường phố (TĂĐP) là các loại thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay, được bán rong trên đường phố hay bày bán ở những địa điểm công cộng. Nhiều người chọn các loại đồ ăn, thức uống này vì chúng rất bắt mắt, hấp dẫn, giá cả phải chăng và lại tiết kiệm được thời gian nấu nướng ở nhà. Song, lợi bất cập hại, TĂĐP tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP) ở mọi lứa tuổi.

“Ẩn họa” từ thức ăn đường phố

 

Dạo một vòng quanh các trường học ở TP.Thủ Dầu Một, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những em học sinh, sinh viên xúm xít mua đồ ăn, thức uống ở các gánh hàng rong trước cổng trường. Trước trường Đại học Thủ Dầu Một (đường Trần Văn Ơn, phường Phú Hòa), các hàng quán bán bún phở, bánh tráng trộn, trái cây dầm, bánh khoai nướng, nước đậu xanh, đậu nành… mọc lên nhằm phục vụ sinh viên các món ăn vặt. Thúy Hằng (sinh viên năm 2 ngành sư phạm mầm non, Đại học Thủ Dầu Một), cho biết: “Mình thường mua đồ ăn ở các hàng quán trước cổng vì đồ ăn đa dạng, ngon và phù hợp với túi tiền”. Tại một xe đẩy, người bán hàng thoăn thoắt trộn những bịch bánh tráng vì rất nhiều khách hàng đang đứng chờ. Theo quan sát, các nguyên liệu chính để làm bánh tráng trộn như khô mực, tép rang, nước tương, tương ớt… không có nhãn mác rõ ràng. Ở những hàng khác, người bán dùng tay để bốc thức ăn cho khách.

 


Bánh tráng nướng - món ăn vặt bán trên đường phố rất hút khách,
đặc biệt là học sinh, sinh viên


 

Ở nhiều nơi khác như khu dân cư, bệnh viện, bến xe, khu du lịch, trước cổng khu công nghiệp… các quầy, hàng TĂĐP cũng hiện diện với nhiều nhiều loại đồ ăn, thức uống đa dạng. Quỳnh Hoa (công nhân Công ty Hansol, Khu công nghiệp Sóng Thần II, TX.Dĩ An), cho biết: “Mình hay mua chè, rau câu… về ăn, ngon thì ngon đấy nhưng cũng lo vì không biết người ta làm có hợp vệ sinh không”.

 

Sự lo lắng của người tiêu dùng là có cơ sở, bởi ẩn chứa sau vẻ ngoài hấp dẫn của các loại đồ ăn thức uống đó là nguy cơ gây NĐTP cao. Những thông tin như chè khúc bạch làm từ chất gelatine siêu bẩn, trà chanh pha hóa chất, phô mai que giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc và mới đây là bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở nhiễm chất làm trắng huỳnh quang độc hại (tinopal)… gây hoang mang, khiến người tiêu dùng càng thêm lo lắng về chất lượng của TĂĐP.

 

Những biện pháp hạn chế ngộ độc thực phẩm!

 

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Loan, Phó phòng Thông tin truyền thông và Quản lý an toàn thực phẩm - Chi cục An toàn thực phẩm, thì thực phẩm chế biến sẵn được bày bán ở các quầy, hàng có khả năng bị ô nhiễm bởi các nguyên nhân như: Nguyên liệu sử dụng là gia súc, gia cầm bị bệnh; trong quá trình chế biến, người bán có thể để thức ăn nhiễm vi khuẩn, siêu vi trùng, ký sinh trùng qua đôi tay bẩn, ho, hắt hơi…; thức ăn không được che đậy kỹ nên ruồi, bọ bâu vào. Các phụ gia thực phẩm (chất tạo mẫu, tạo ngọt, hương liệu, chất tẩy rửa…) sử dụng ngoài danh mục cho phép, không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Do điều kiện bán hàng ngoài đường nên bụi bẩn, đất cát, thậm chí lông, tóc rất dễ rơi vào thức ăn gây ô nhiễm, mất vệ sinh. Trong những mối nguy trên, phụ gia và vi khuẩn là hai nguyên nhân chính khiến TĂĐP không bảo đảm an toàn.

 

Sử dụng TĂĐP không hợp vệ sinh có thể gây ra ngộ độc cấp tính, biểu hiện như ói mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng… ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Nguy hiểm hơn, những chất độc hại từ thức ăn (một số chất phụ gia...) nếu dùng liều nhỏ, thường xuyên liên tục sẽ tích lũy trong cơ thể có thể gây ra ngộ độc mãn tính (mất cảm giác ăn ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai…) và có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm như phá hủy một số chất dinh dưỡng và vitamin.

 

Học sinh là đối tượng có nguy cơ NĐTP, nhiễm độc cao nhất do sức đề kháng yếu và chưa có khả năng nhận biết, phân biệt thực phẩm độc hại. Do đó phụ huynh nên nhắc nhở trẻ hạn chế sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và TĂĐP không hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng hãy là một thanh tra viên, giám sát viên, tích cực lên án những điểm TĂĐP không bảo đảm an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho mình và những người xung quanh.

 

Trong thời gian qua, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm ở địa phương; tổ chức các đợt thanh kiểm tra ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; triển khai công tác phòng ngừa, khắc phục NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân được chú trọng. Vận động người bán TĂĐP theo luật an toàn thực phẩm và trở thành “người bán hàng có lương tâm”, đồng thời tuyên truyền về những điều kiện an toàn thực phẩm, để họ có thêm kiến thức, từ đó hạn chế nguy cơ ngộ độc từ TĂĐP.

(Theo Bình Dương Online)