Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiều 29-7, Sở Công Thương TP HCM kết hợp với Sở Y Tế TP tổ chức hội nghị triển khai các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, bánh tươi trên địa bàn. Sau hội nghị, Sở Công Thương sẽ triển khai những nội dung này đến các chợ truyền thống.
Đại diện các cơ sở sản xuất bún, bánh tươi và siêu thị ký cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn
Chất tinopal: mẫu có, mẫu không
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, cho biết đã công khai các quy trình cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như giấy xác nhận các nội dung quảng cáo thực phẩm, hồ sơ đề nghị cấp, thu hồi giấy… trên website của sở và thông báo đến các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm cũng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, hậu kiểm các cơ sở sản xuất kinh doanh. Sáu tháng đầu năm, đã thanh tra, xử phạt 17 trường hợp vi phạm với tổng mức tiền phạt hơn 230 triệu đồng.
Riêng đối với bún và bánh tươi, hiện trên toàn thành phố có 201 cơ sở sản xuất các mặt hàng này, tập trung nhiều nhất ở các khu vực ngoại thành như quận Gò Vấp, quận 7, quận 9. Trước nghi vấn bún, bánh tươi chứa chất tinopal (chất làm trắng dùng trong công nghiệp), Sở Công Thương phối hợp với phòng kinh tế các quận - huyện kiểm tra, lấy 33 mẫu gửi Công ty Dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc ký Hải Đăng kiểm nghiệm, đến nay đã có kết quả 19 mẫu âm tính với tinopal, những mẫu còn lại đang chờ kết quả...
Tuy nhiên, GS-TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc ký Hải Đăng, cho biết việc kiểm nghiệm chất tinopal trong bún, bánh tươi đã bắt đầu từ cuối tháng 6-2013 và phát hiện có chất tinopal CBS-X (chất dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, bột giặt) trong sản phẩm nhưng đến nay, hàm lượng nhiễm tinopal trên các mẫu kiểm nghiệm đã giảm khá nhiều. Ngoài ra, nhiều mẫu phát hiện có chứa chất bảo quản sodium benzoat.
Người tiêu dùng chưa hết lo về nguy cơ bún, bánh phở, mì nhiễm chất cấm
Ảnh: Hồng Thúy
Sẽ công khai sản phẩm vi phạm
Theo Sở Công Thương, từ nay đến ngày 10-8, sở sẽ phối hợp với Chi cục ATVSTP, Sở Y tế, UBND các quận - huyện kiểm tra các cơ sở bún, bánh tươi trên toàn thành phố, lấy mẫu kiểm nghiệm và sẽ công bố những trường hợp có sử dụng chất phụ gia cũng như các cơ sở có chất lượng, nhãn mác rõ ràng và tình trạng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng biết. Song song đó, kiểm tra hàng hóa đầu vào của các hệ thống phân phối, đặc biệt là những mặt hàng thực phẩm. Việc kiểm nghiệm mẫu sẽ được thực hiện theo Thông tư 14/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, sẽ kiểm mẫu nhiều lần để có kết quả chính xác nhất và công bố cho người tiêu dùng. Những trường hợp vi phạm ATVSTP như sử dụng chất cấm, sử dụng phụ gia vượt quá mức cho phép… sẽ bị xử lý theo Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm...
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cũng cho biết thời gian tới sẽ yêu cầu Chi cục ATVSTP tham mưu sở lấy mẫu kiểm tra định kỳ đối với các sản phẩm thực phẩm, tinh bột và ngũ cốc…
Cam kết kinh doanh sản phẩm an toàn
Theo thống kê của Sở Công Thương thành phố, hiện toàn thành phố có 8 cơ sở sản xuất bún sạch. Tại hội nghị, Công ty TNHH MTV SX-TM thực phẩm Cát Tường, cơ sở Trung Kiên, hộ kinh doanh Kiều Trang đã ký cam kết với 2 nhà phân phối là Co.opmart, BigC về sản xuất kinh doanh bún, bánh tươi an toàn. Bà Bùi Hạnh Thu - Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX TP HCM, đại diện các nhà phân phối trên địa bàn - cam kết sẽ kiểm soát chất lượng đầu vào đối với tất cả hàng hóa bán tại siêu thị Co.opmart.