Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Quản lý nhà nước cần quy về một mối"

(00:50:14 AM 30/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Đây là kiến nghị của các nhà khoa học và quản lý tham dự Hội thảo “Góp ý sủa đổi Luật Đa dạng sinh học”, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức ngày 29/7, tại Hà Nội.

Ảnh IE



Phát biểu về mục đích cuộc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE nhấn mạnh: Luật Đa dạng sinh học đã được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008. Nhưng sau 4 năm thực hiện, Luật Đa dạng sinh học đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải nhanh chóng sửa đổi và hoàn thiện. Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên và môi trường, VACNE đã tổ chức Hội thảo này nhằm đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Đa dạng sinh học.


Báo cáo đề dẫn Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Đa dạng sinh học đã tổng hợp những nghiên cứu của các chuyên gia VACNE, bao gồm 6 vấn đề cốt yếu đó là: Quy định của Luật trong lĩnh vực chức năng quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; quy định của Luật trong lĩnh vực an toàn sinh học; quy định của Luật trong lĩnh vực quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; tính tương thích giữa Luật Đa dạng sinh học các bộ luật khác của Việt Nam; quy định của Luật trong lĩnh vực tiếp cận, đánh giá nguồn gen và chia sẻ lợi ích, lưu giữ và bảo quản mẫu vật di truyền; quy định của Luật Đa dạng sinh học về xử phạt các hành vi vi phạm Luật Đa dạng sinh học.


Theo phân tích của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký VACNE: Trên thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý bảo tồn đa dạng sinh học chủ yếu “chỉ là trên giấy tờ”. Vì có sự chồng chéo trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học giữa 2 Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thể hiện rất rõ trong việc quản lý sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hại...Nên rất cần một cơ chế đủ mạnh để thống nhất quản lý đa dạng sinh học và các trung tâm bảo tồn thiên nhiên trong toàn quốc.


Đơn cử như hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng “Chiến lược Quản lý hệ thống Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng “Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Điều này cho thấy sự không thống nhất trong phân công trách nhiệm quan lý nhà nước về đa dạng sinh học. Để công tác bảo tồn đa dạng sinh học và Luật Đa dạng sinh học sửa đổi hoàn thiện, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học cần quy về một mối.


Theo Thạc sĩ Lê Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học: Một số điểm chưa thỏa đáng của Luật Đa dạng sinh học năm 2008 trong 3 lĩnh vực còn khá mới mẻ trong thực tiễn quản lý ở nước ta hiện nay. Cụ thể là tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; quy hoạch đa dạng sinh học và an toàn sinh học. Do đó cần hoàn thiện Luật nhằm tránh được những bất cập cả trong việc thực hiện cũng như trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật.


Để định hướng nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Đa dạng sinh học, Thạc sĩ Lê Thanh Bình kiến nghị cần quy định, thu hẹp lại đối tượng nguồn gen để quản lý. Nên chăng chỉ nên quản lý những nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và những nguồn gen có tiềm năng khai thác sử dụng.


Các nhà khoa học tham dự Hội thảo cũng cho rằng, cần phải xem xét tính khách quan trong quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đối với 2 quy định. Đó là “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tổ chức lập, trình Chính phủ phê duyệt, điều chính quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thuộc phạm vi quản lý”, tại Điều 10 khoản 2 Luật Đa dạng sinh học. Như vậy, một chủ thể vừa chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, vừa tổ chức thẩm định quy hoạch liệu có đảm bảo tính khách quan của các hoạt động này hay không?. Nội dung bảo tồn đa dạng sinh học ở các bộ luật khác cần phải tích hợp vào Luật Đa dạng sinh học mới, chứ không thể nêu đơn giản như Điều 76-Quy định chuyển tiếp trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008...

(TTXVN)