Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rủ nhau lên Hà Nội... săn đỉa Tin ảnh

(17:55:52 PM 28/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngay tại thủ đô Hà Nội, việc săn đỉa bán cho thương lái đang diễn ra rầm rộ.

 Tại cánh đồng ở xã Cổ Nhuế (H.Từ Liêm, Hà Nội), từ cả nửa tháng nay, sáng sớm đã tấp nập người từ khắp nơi đổ về săn bắt đỉa. Những người này đều đến từ các tỉnh thành khác, trong đó nhiều nhất là Vĩnh Phúc, Phú Thọ…

 

Nhiều ngày nay, cánh đồng ở xã Cổ Nhuế ngày nào cũng tấp nập người đi bắt đỉa.

 

Anh Nguyễn Văn Công ở Thanh Ba (Phú Thọ) kể đã xuống Hà Nội "ăn dầm nằm dề" được hơn một tuần nay để bắt đỉa, sau khi người em họ đã xuống trước được gần một tháng.  

 

“Mỗi ngày, nếu chăm chỉ đi bắt, cũng được khoảng 3-4 lạng. Có người may mắn còn bắt được nửa cân, bán ra cũng được 200.000-300.000 đồng", anh Công, cho biết. 
 
Theo anh Công ban đầu chỉ có 2-3 người biết thông tin, nhưng sau lan ra dần, nên rất nhiều người đổ xô đi bắt đỉa. 
 
“Càn quét” hết tại địa bàn tỉnh nhà, cả đoàn lũ lượt kéo nhau về thủ đô, tràn ra những cánh đồng ngoại thành để săn bắt loại sinh vật này.
 

Những người này vừa khoắng động mặt nước, chờ đỉa ngoi lên để dùng rổ nhựa xúc bắt

  

Một cái rổ nhựa cắp nách, tay cầm túi vải, đầu đội mũ, ai cẩn thận hơn thì có thêm đôi “ủng” bảo vệ… là “dụng cụ” của những người đi bắt đỉa. Một ngày bình thường của giới đi "săn đỉa" sẽ bắt đầu từ sáng sớm, và kết thúc lúc chiều. Đây cũng là thời điểm các “thợ săn” tập kết hàng tại chợ để bán. 

 
Phúc Yên (Vĩnh Phúc) là địa điểm được giới săn đỉa gọi là “thành phố đỉa” vì nơi đây là đầu nậu tập trung thu mua tất cả số đỉa những người đi săn bắt được vào các buổi chiều. 
 
Theo tìm hiểu của PV, giá mỗi ký đỉa hiện tại khoảng 600.000 đồng. Việc mua bán thứ hàng hóa này cũng không diễn ra công khai, mà phần lớn trong vòng bí mật, tại những điểm khá kín đáo. 
 
Ngoài ra, Phú Thọ và một số tỉnh thành khác cũng là nơi có mối thu mua đỉa, do đó, những “thợ săn” tràn về thủ đô trong nhiều ngày vừa qua phần lớn là người dân tại các địa bàn này. Thậm chí, theo lời một người đi bắt đỉa, không hiếm trường hợp bỏ việc để đi lùng sục loại động vật này.
 

 Mỗi lần vục rổ thường bắt được ít nhất 3 con đỉa. 

 

“Tranh thủ dịp nghỉ hè của con, ba bố con chia nhau, tôi xuống Hà Nội, hai thằng con quản việc ở Phú Thọ… mỗi ngày cũng săn được vài lạng”, người đàn ông đội chiếc mũ sùm sụp với khuôn mặt gầy đến từ Phú Thọ nhất định không tiết lộ tên, cho biết. 

Người đàn ông này nói thêm, không rõ mục đích thu mua đỉa của những chủ mối là gì, nhưng số lợi thu về lớn quá, gấp cả chục lần làm nông nghiệp, nên vẫn “nhắm mắt đưa chân”. 
 
Trong khi việc săn đỉa đang rộ lên tại một số tỉnh thành và đã tràn xuống Hà Nội từ nhiều ngày nay, được không ít người hưởng ứng vì khoản lợi nhuận lớn, thì giới chuyên gia lại đưa ra những lo ngại về môi trường và hệ sinh thái. 
 
Việc người dân săn đỉa ồ ạt trong những ngày qua có thể khiến cho môi trường bị ảnh hưởng. Mặt khác, số lượng lớn đỉa đã gom nhưng đặt giả định không được thu mua sẽ bị phát tán, gây hậu quả nghiêm trọng. Số đã được thu mua không rõ được sử dụng như thế nào cũng là một câu hỏi lớn. 
 
Ông Kim Văn Vân, Trưởng bộ môn Môi trường và thủy sản (ĐH Nông nghiệp) cho biết đỉa là loài hút máu, không được khuyến khích nuôi. Trong môi trường sinh thái, loài vật này cũng không có lợi. Tuy nhiên, trong đỉa có men herodin có khả năng chống đông máu, có thể sử dụng trong y học với việc chống tai biến mạch máu, nhưng cũng cần lưu ý hết sức. 
 
Không bình luận nhiều chuyện dân đổ xô đi săn đỉa những ngày vừa qua, ông Vân cho biết cần chú ý đặc biệt trong quá trình thu mua để tránh xảy ra những xáo trộn đáng tiếc. 
 
Một số hình ảnh bắt đỉa trên cánh đồng xã Cổ Nhuế:
 

Nhiều người đi bắt đỉa ở Hà Nội với đôi chân trần và dụng cụ chỉ cần 1 chiếc rổ nhựa để hớt, 1 chiếc túi để đựng

 Người nào cẩn thận hơn thì đi ủng.

 Dùng tay trần để bốc đỉa là chuyện thường tình của "thợ săn bắt đỉa".

Thành quả sau chừng chưa đầy 30 phút bắt đỉa của một "thợ đỉa" đến từ Vĩnh Phúc trên cánh đồng xã Cổ Nhuế.

"Thợ đỉa" quê ở Phú Thọ này cho biết thường bắt được chừng nửa ký đỉa trong một buổi sáng ở cánh đồng xã Cổ Nhuế. Ngày mưa, trời mát, có thể bắt được nhiều hơn. Ảnh: Nguyệt Linh 

Cũng như chuyện "đại dịch" ốc bươu vàng, con đỉa từng được thu gom rầm rộ cách đây 2 năm. Khi ấy, nhiều chuyên gia nông nghiệp đã lo lắng lên tiếng cảnh báo, rằng sau khi "sốt" thu mua đỉa hạ nhiệt, mối lo lớn nhất là người nông dân sẽ... đào ao nuôi đỉa. 

Cuối năm 2011, tại các địa phương khắp cả nước, từng rộ lên chuyện thu gom đỉa, ốc bươu vàng để bán cho thương lái Trung Quốc. Thậm chí, nhiều hộ dân tại Tây Ninh đã bắt đầu... nuôi đỉa. 
 
Tại Hóc Môn (TP.HCM), cũng cuối năm 2011, sau khi các thương lái thu gom đỉa "bỗng dưng mất tích", người dân địa phương đã khổ sở vì nạn đỉa. Chính quyền địa phương cũng một phen vất vả. 
 
Ông Nguyễn Sĩ Phước, Phó chủ tịch Hội Nông dân H.Hóc Môn, thời điểm đó cho biết: “Khi người dân địa phương phát hiện và báo chính quyền đã làm việc với hộ thu mua đỉa, cấm luôn nên họ ngưng thu mua đỉa lâu rồi. Tuy nhiên những con đỉa mùa khô họ thảy ra ngoài đến mùa mưa phát triển nhanh ra khu dân cư. Địa phương đã tổ chức rải vôi lên đất để diệt đỉa, nhưng những con đỉa sống trong ngóc ngách, không thể rải vôi trúng vẫn tiếp tục sinh sôi". 
 
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, từng bức xúc: “Câu chuyện thương nhân Trung Quốc thu mua đỉa và ốc bươu vàng cũng na ná như việc họ đã vét sạch mèo ở khắp các làng quê những năm 90. Chuột bùng phát một phần do thiếu mèo, đến mức Thủ tướng Chính phủ đã phải ra chỉ thị về những biện pháp cấp bách phòng trừ chuột, bảo vệ mùa màng. Rồi là các câu chuyện thương nhân Trung Quốc lùng sục mua gỗ sưa, râu ngô, gốc chè san tuyết hằng trăm năm tuổi...”.
  
TS Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng viện Nuôi trồng Thủy sản 1, cảnh báo: “Là nhà khoa học tôi không biết người ta mua đỉa để làm gì, nó cũng quá khó lý giải giống như mục đích họ mua gỗ sưa. Tôi cho rằng, họ mua đỉa cũng giống như mua mèo trước đây. Bà con mình không nên nuôi ồ ạt để rồi lại phải gánh chịu sự thua thiệt”.
(Theo Thanh niên)