Theo ông Long, trong kinh doanh, một vốn hai lời đã là quá cao rồi. Thanh tra, kiểm tra về giá trước đây đã cho thấy hầu hết sản phẩm của các hãng sữa ngoại có thị phần lớn tại VN như Abbott, Mead Johnson... đều có giá bán lẻ lên gấp nhiều lần giá vốn.
"Giá vốn một đồng thì giá bán lẻ phải 2-3 đồng. Tuy nhiên, dù có rất nhiều chi phí kể từ khi lấy hàng ra khỏi cảng được cộng vào giá bán lẻ nhưng giá sữa nhập từ 100.000-120.000 đồng/hộp mà bán giá tới 500.000-600.000 đồng/hộp là chênh lệch quá lớn", ông Long khẳng định.
Ông cũng dẫn ví dụ Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang dùng khái niệm kiểm soát độc quyền, thực hiện điều tiết lợi nhuận và quản lý giá. "Trung Quốc đã tuyên bố điều tra và buộc các doanh nghiệp phải giảm giá sữa. Họ làm quá thành công. Tại sao Việt Nam không làm được?" , ông Long nói.
Ông cũng khẳng định muốn biết đó có phải giá thành sản xuất thật sự của hàng loạt sản phẩm sữa hay không cũng không khó. Các cơ quan chức năng ở VN hoàn toàn có thể điều tra nhà sản xuất thật sự.
Hiện nguyên nhân khiến giá sữa bị đẩy lên không thương tiếc là do chi phí quảng cáo, chi phí hoa hồng, chiết khấu cho các tầng nấc, kênh phân phối.
Theo ông Long, hiện luật đang giới hạn chi phí quảng cáo của doanh nghiệp không được quá 10% tổng chi phí hợp lệ. Nhưng thực tế doanh nghiệp có thực hiện đúng hay vẫn lách để thi nhau quảng cáo, tiếp cận người tiêu dùng, đẩy giá sữa lên cao thì cần phải làm rõ.
Trước đây qua kiểm tra cũng đã thấy các tập đoàn sữa hàng đầu thế giới có mặt tại VN đã chi rất nhiều tiền cho quảng cáo, chiếm đến vài chục phần trăm. Cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể khống chế vấn đề này.
Tổng cục Thuế, Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính cần phải vào cuộc làm rõ. Chỉ chấp nhận chi phí quảng cáo nằm trong giới hạn pháp luật cho phép. Các chi phí bất hợp lý thì phải xếp vào khoản thu nhập của doanh nghiệp và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Đến lúc đó, họ sẽ phải tự xem xét lại các chi phí, cân nhắc về khoản 23% thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng.
Giá sữa liên tục tăng khiến người tiêu dùng kiệt sức
Từ đầu năm 2013, một loạt các hãng sữa đã đua nhau tăng giá bằng đủ thứ “chiêu trò”: công khai tăng giá sữa, giữ nguyên giá nhưng giảm trọng lượng, cải tiến mẫu mã nên cải tiến luôn giá thành.
Rồi cách đây vài ngày, Ngay khi Chính phủ Trung Quốc quyết định khởi động chương trình điều tra giá sữa bột của các DN, thì giá sữa bột đã giảm mạnh. Trong khi đó, tại Việt Nam các hãng sữa đang chuẩn bị vào đợt tăng giá mới.
Hãng Dutch Lady vừa tăng giá sữa nước thêm 2% đối với sản phẩm dạng hộp 180ml và 8% đối với sản phẩm dạng bịch 220ml, nhiều đại lý cho rằng có thể tới đây các hãng sữa khác cũng sẽ tiếp tục tăng giá. Lý do được các nhân viên tiếp thị thông báo là vì ra mẫu mã mới.
Trong khi đó, đại diện Dutch Lady cho biết công ty đã tăng giá thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân lên thêm 18% kể từ tháng 4/2013. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7/2013, công ty mới điều chỉnh giá sữa nước tiệt trùng bán ra.
Bên cạnh đó, chỉ tính trong quý 1/2013, các công ty sữa đã ba lần tăng giá, với mức tăng từ 5 – 15%, trong đó doanh nghiệp khởi đầu cho đợt tăng giá này là Dumex.
Theo tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương), một nghịch lý là mặc dù trong những tháng đầu năm 2013, sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm mạnh, từ 750 đến 1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011, nhưng gần như không có doanh nghiệp sữa trong nước nào giảm giá.
Thậm chí, vẫn có tới 3 doanh nghiệp tăng giá bán sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, với mức tăng từ 9 – 15%. Gần đây, giá thế giới mới tăng nhẹ, nhiều hãng sữa đã tăng giá. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc.
“Theo quy định hiện hành, chỉ sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi mới phải đăng ký giá bán. Đối với các mặt hàng sữa nước, doanh nghiệp tự quyết định giá bán nhưng sẽ được các sở tài chính giám sát, can thiệp khi có hiện tượng tăng giá bất thường” - ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.