Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bất kể trời mưa hay nắng, cứ có rác là Hợi và Hằng đều lên thuyền đi vớt
Chầy mặt với mưa, nắng
Trời mưa tầm tã từ đêm cho tới sáng, nhưng theo lịch hẹn của Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn công viên Vạn Cảnh, 7 giờ kém 10 tôi có mặt ở Bến Đoan để lên tàu cao tốc ra Ba Hang, phường Hùng Thắng (Hạ Long). 7 giờ tàu chạy, đưa gần 50 nhân viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ra 3 điểm làm việc là: Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ và cuối cùng là làng chài Ba Hang. Sau 45 phút trên tàu, làng chài dần hiện ra trước mắt tôi trong màn mưa nặng hạt. Đúng 8 giờ từ trụ sở đội Ba Hang – Hoa Cương thuộc Trung tâm Bảo tồn công viên Vạn Cảnh, hai nhân viên thu gom rác là Đỗ Thị Hợi (SN 1983), Hà Thị Hằng (SN 1989), đưa tôi cùng đi vớt và thu gom rác tại khu vực làng chài Ba Hang.
Chiếc mủng nhỏ bé, chòng chành đưa chúng tôi lênh đênh trên mặt Vịnh. Hợi bảo: “Hôm nay trời mưa, rác dạt vào sát các chân núi đá, chứ trời lặng gió, rác sẽ nổi lềnh bềnh khắp nơi trên mặt Vịnh. Nghề vớt rác trên biển cũng như nghề quét rác trên mặt đất. Nhưng điểm khác nhau là, ở trên mặt đất, khi đã quét dọn, nếu không ai xả rác ra nữa thì cả ngày vẫn sạch, còn trên mặt biển, rác vừa được vớt xong, vài phút sau quay lại, đã lềnh bềnh, bởi rác cứ theo gió, nước đưa từ nơi khác đến. Có những hôm nhiều rác, chúng em phải “quét” thông trưa”. Khoảng gần một tiếng đồng hồ, Hợi và Hằng thu được hai lồ (sọt) “chiến lợi phẩm” chủ yếu là vỏ lon bia, vỏ chai nước ngọt, phao, vỏ mì tôm, túi nilon, bọt xốp. Hợi khoe: “Ngày mưa rác trôi đi hết, còn ngày gió lặng chúng em phải vớt được 10 lồ một ngày”.
Nhìn hai bạn vớt rác như múa vợt dưới nước, tôi băn khoăn hỏi: “Có bao giờ các cô gặp tình huống rác nặng hơn kéo cả người xuống biển?”. Hằng cười: “Nếu không biết cách vớt, cứ vục cả vợt vào bọc túi nilon thì nước sẽ theo lên rất nặng, chỉ hớt nhẹ ở phía đuôi túi nilon, nước sẽ chảy ra ngoài…”. Gạt những giọt nước mưa trên mặt, Hợi kể cho tôi nghe câu chuyện suýt bị “rác” kéo xuống biển: “Cuối năm ngoái, trong một buổi chiều muộn, Hợi nhìn thấy một chiếc áo nổi trên mặt biển khu vực Hòn Chó Đá, liền đưa vợt xuống vớt, bỗng nhiên thấy chiếc vợt nặng trĩu, chút xíu kéo cô ngã nhào xuống biển. Cố gắng giữ thăng bằng, Hợi nhìn kỹ trong bóng chiều nhập nhoạng là một xác người. Hốt hoảng, cô vứt cả vợt, rồi vội vàng gọi điện cho các anh ở đội đến xử lý. Sau đó xác minh, là xác một người đàn ông nhảy cầu Bãi Cháy tự tử, theo con nước trôi dạt về khu vực này”.
Dù mưa nắng, vất vả, nguy hiểm sông nước luôn thường trực, nhưng các cô vẫn gắn bó với nghề bởi: “Đội chúng em có 4 nữ đều xuất thân từ làng chài, gia đình chúng em ở đây đã 3, 4 đời rồi. Em có thâm niên 11 năm trong nghề, còn Hằng đã 6 năm. Chúng em đến với nghề xuất phát từ tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn” – Hợi chia sẻ. Đây cũng là một trong những điểm thuận lợi cho công việc của các cô, vì thông thuộc địa bàn, quen với sông nước, biết chèo đò từ khi lên 8-9 tuổi, quen biết với bà con làng chài nên dễ tiếp cận, tuyên truyền cho bà con giữ gìn vệ sinh môi trường.
Tuy là “thổ dân” làng chài, nhưng công tác tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ môi trường biển của Hợi và Hằng cũng gặp không ít khó khăn. Những năm trước, ý thức bảo vệ môi trường biển của hầu hết dân chài còn rất hạn chế, chuyện vứt rác xuống biển đã trở thành thói quen, nếp sống bao đời nay của họ. Khua chiếc vợt vớt một loạt vỏ mì tôm bị sóng tạt vào sát chân núi, Hợi kể: “Ngày nào chúng em cũng đi tất cả các hộ gia đình trên làng chài để thu gom rác. Nhưng có trường hợp khi chúng em đi qua, có hộ báo không có rác, nhưng lúc sau thuyền quay trở lại thì bắt gặp họ đang đổ rác xuống biển. Chúng em nhắc thì họ bảo nếu tao không đổ rác ra biển thì chúng mày làm sao có việc mà được hưởng lương. Những lúc đó tưởng chừng bao nhiêu công sức tuyên truyền của mình chỉ như công dã tràng, nhưng chúng em vẫn kiên trì, hy vọng “mưa dầm thấm lâu”…
Mưa, nắng vẫn cứ chầy mặt với trời, cùng bao nguy hiểm sông nước rình rập, khó khăn trong tuyên truyền, vận động, nhưng Hằng, Hợi và mọi người trong đội vẫn khẳng định sẽ gắn bó với nghề cho đến khi Vịnh còn rác, còn sức khoẻ…
Nhân viên đội Ba Hang – Hoa Cương tập kết rác lên thuyền đưa về đất liền
Ứng xử với “báu vật”
Chiều, trời vẫn mưa. Chúng tôi được Đội phó Phạm Văn Duyên “đặc cách” cho sử dụng thuyền máy đi vớt và thu gom rác. Anh Duyên dẫn chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Văn Duyên, khu trưởng làng chài Ba Hang, kiêm Chủ nhiệm HTX Con đò cổ tích. Ông Duyên cho biết: “Hiện làng chài khu vực Ba Hang, Hoa Cương có tất cả 83 hộ với trên 200 nhân khẩu, trong đó Ba Hang có trên 60 hộ, 170 nhân khẩu. Những năm trước, việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường biển rất khó khăn. Nhiều gia đình khi được nhắc nhở thì gật gù đấy, nhưng chúng tôi vừa đi khỏi là họ đổ rác ngay xuống biển. Bị bắt gặp thì họ chống chế “Để rác trên bè ô nhiễm”. Vậy tức là họ sợ ô nhiễm nhà mình, nhưng lại không sợ gây ô nhiễm cho “báu vật” của cả thế giới và nghiễm nhiên coi lòng Vịnh như cái sọt rác. Tổ chức Jica tài trợ cho mỗi hộ một chiếc lồ đựng rác, thì họ đem đựng các vật dụng trong nhà, còn rác thì vứt xuống biển”.
Nhiều năm nay, ông Duyên vẫn miệt mài, tích cực cùng Đội Ba Hang – Hoa Cương, các đoàn thể khu tuyên truyền, vận động từng hộ dân để rác vào sọt, cho nhân viên của đội đi thu gom hàng ngày. Đến nay ý thức “ứng xử” với “báu vật” của bà con dân chài đã được nâng cao. Nhiều năm trở lại đây, khu làng chài Ba Hang thường xuyên được tặng giấy khen khu dân cư văn hoá.
Qua quan sát, hầu hết các hộ gia đình đã đựng rác vào một túi nilon to, hoặc để gọn trong các sọt, thuận tiện cho việc thu gom. Chúng tôi tới thăm nhà bè gia đình Nguyễn Văn Hạnh, tổ 1, khu Ba Hang, đã có 4 đời “đóng đô” trong lòng Vịnh. Ngôi nhà bằng gỗ rộng trên 100m2 được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, vợ anh đang gom rác để nhân viên của đội thu gom, còn anh đang dùng chiếc vợt vớt những vỏ lon, túi nilon trôi dạt gần bè nhà. Anh Hạnh khoe: “Nhờ được tuyên truyền nhiều, giờ bà con làng chài Ba Hang ý thức hơn trong việc xả rác rồi. Làng chài còn có cả trường học, nên ngay từ khi vào lớp 1, các cháu đã được học các bài học về bảo vệ môi trường Vịnh”.
Đội phó Phạm Văn Duyên cho biết: “Đội hiện có 16 người, có nhiệm vụ quản lý, thu gom rác thải môi trường, bán vé bổ sung khu vực làng chài, khu vực Ba Hang… Đội có 3 thuyền máy và 3 thuyền chèo tay thường xuyên đi vớt và thu gom rác trên Vịnh khu vực Ba Hang, Hoa Cương. Trung bình mỗi ngày thu gom được 2 tấn rác thải, sau đó chuyển về đất liền xử lý. Nhân viên của Đội thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân, du khách tham quan Vịnh bảo vệ Di sản khu vực sinh sống, giữ gìn cảnh quan môi trường bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trực tiếp, qua loa đài, băng đĩa, tổ chức cho các hộ ký cam kết không xả rác ra biển, bảo vệ môi trường Vịnh. Nhờ đó người dân khu vực đã nhận thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường Vịnh”.
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình bảo vệ môi trường biển, nhưng với số lượng trên 600 hộ nhà bè sống trong lòng Vịnh và hàng trăm tàu du lịch, nhà hàng, dịch vụ kinh doanh trên mặt Vịnh, cộng thêm ý thức của nhiều người dân về bảo vệ môi trường biển chưa cao, khiến cho công tác quản lý môi trường Vịnh gặp rất nhiều khó khăn. Theo chương trình di dời các hộ dân làng chài lên bờ sinh sống của tỉnh, kế hoạch đến cuối năm nay, 364 ngôi nhà ở khu Cái Xà Cong (phường Hà Phong, TP Hạ Long) hoàn thiện, nhiều hộ dân sẽ được di dời lên bờ, trẻ em được đi học, được hưởng các dịch vụ xã hội… Đó cũng là mong muốn, nguyện vọng từ bao đời nay của cư dân làng chài, góp phần cải thiện môi trường Vịnh ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Chia tay làng chài Ba Hang và những con người giữ cho màu xanh của biển, điều tôi cảm nhận trong họ là tình yêu, niềm tự hào Di sản, ngày đêm không quản mưa nắng để giữ gìn báu vật mà thiên nhiên ban tặng.