Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chung tay bảo vệ, chia sẻ nguồn lợi tài nguyên nước Tin ảnh

(08:30:16 AM 27/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Đó là yêu cầu mà Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đưa ra trong Hội nghị “Định hướng các giải pháp quản lý tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh biến đổi khí hậu” diễn ra ngày 26-7, do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội Mỹ (ISET) tổ chức.

 

Tổng trữ lượng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố là 231.059 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nhiều khu vực đã có dấu hiệu cạn kiệt và nhiễm mặn nguồn nước, phân bố trên địa bàn rộng nên không thể khai thác với quy mô tập trung.

 

Đà Nẵng khan hiếm nguồn nước

 

Tuy được đánh giá là khá phong phú về tài nguyên nước, song do lượng mưa phân bố không đồng đều, địa hình dốc, dòng chảy ngắn…, mùa mưa thường hay ngập lụt, mùa khô nước mặn xâm nhập sâu vào sông nên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ở Đà Nẵng chủ yếu lấy từ nguồn nước của sông Vu Gia.

 

Các năm trước, nguồn nước tại sông Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn hoặc chỉ bị nhiễm mặn rất ít. Tuy nhiên, đến năm 2012, vấn đề nhiễm mặn nguồn nước trở nên nóng bỏng và đến năm 2013 thì ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do quá trình vận hành các nhà máy thuỷ điện trên thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, đặc biệt là việc Nhà máy Thuỷ điện Đăk Mi 4 lấy nước từ sông Vu Gia chuyển sang sông Thu Bồn để phát điện, gây ra cạn kiệt, nhiễm mặn nguồn nước ở khu vực hạ lưu của sông Vu Gia.

 

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, cho biết: Một trong những nguyên nhân gây thiếu nước trên hạ lưu sông Vu Gia, ảnh hưởng đến các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng là do thủy điện Đắk Mi 4. Vì vậy, trong thời gian tới, Đắk Mi 4 cần tiếp tục tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chia sẻ nguồn nước.

 

Bên cạnh nguyên nhân trên, các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao cũng dẫn đến khan hiếm nguồn nước. Mực nước ở đập dâng An Trạch luôn ở mức thấp, các cửa ngăn nước buộc phải thường xuyên đóng kín để tích nước cung cấp cho thành phố...

 

Cần bảo vệ nguồn nước bền vững, lâu dài

 

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo các sở, ban, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan nhằm tìm ra hướng đi chung, phù hợp cho việc khai thác nguồn tài nguyên nước.

 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, phân tích: Thời gian qua, việc quản lý nguồn nước tại các lưu vực sông còn thiếu tính chặt chẽ, sự phối hợp giữa các ngành ở Trung ương và địa phương chưa thực sự đồng bộ. Vì vậy, thời gian tới, các ban, ngành, đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc khai thác nguồn nước. Cụ thể, quan tâm đến công tác bảo vệ rừng; tuyên truyền vận động sử dụng nước hiệu quả; cải thiện và nâng cấp các hệ thống thoát lũ, hệ thống tưới tiêu, đê điều để hạn chế suy thoái tài nguyên nước; xử lý nghiêm các nguồn gây ô nhiễm cho nguồn nước và các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…

 

Trong khi đó, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng, cho rằng: Trước mắt, để khai thác có hiệu quả tài nguyên nước, cần triển khai mạnh mẽ các quy định tại Luật Tài nguyên nước năm 2012, có sự thống nhất về cơ quan quản lý, phối hợp, giám sát, phân định trách nhiệm của chính quyền tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Cùng quan điểm đó, bà Đào Minh Hiền, Cục Điều tiết, Bộ Công thương cũng nêu lên hướng giải quyết là cần hoàn chỉnh khung pháp lý đối với các hồ chứa nước thủy điện vào mùa lũ, mùa kiệt. Đồng thời, quy hoạch, rà soát lại các vấn đề liên quan đến xây dựng, có giải pháp bố trí nguồn lực phù hợp. Nhiều ý kiến khác cho rằng: Nguồn nước mặt tại Đà Nẵng trong tương lai sẽ thiếu, vì vậy, cần xây dựng một số công trình để ngăn mặn; việc vận hành Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 phải đảm bảo phóng lũ lớn, đáp ứng nhu cầu hoàn trả nước cho mùa khô; có các dự báo ngắn hạn để vận hành tối ưu các hồ chứa….

 

Về quản lý tài nguyên nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, cho rằng: Cần có biện pháp duy trì dòng chảy, đảm bảo khả năng làm sạch nguồn nước để không bị ô nhiễm, đảm bảo hệ thống hạ lưu của sông không bị xâm nhập mặn. Ông Phùng Tấn Viết đề nghị Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan cần triển khai khảo sát, phân tích chất lượng nguồn nước, phối hợp với các sở, ngành liên quan xác định các vấn đề trong công tác bảo vệ tài nguyên nước, làm rõ những nguyên nhân và tìm ra giải pháp sử dụng nguồn nước hợp lý. Đồng thời, sớm thành lập Ban quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để điều hành, giám sát hoạt động của các hồ chứa thuỷ điện trong mùa lũ, mùa kiệt nhằm đảm bảo an toàn nguồn nước cho vùng hạ du.

 

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, nhấn mạnh, các bên liên quan cần tập trung hơn nữa việc chia sẻ nguồn lợi tài nguyên nước; tiếp tục xây dựng các công trình tiết kiệm nước, làm đập ngăn mặn ở hạ lưu... Đồng thời, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Điều tiết cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong việc chia sẻ nguồn nước; Bộ TN&MT sẽ cập nhật lại việc xây dựng các kịch bản Biến đổi khí hậu, ISET sẽ hoàn thiện kịch bản chi tiết hơn cho Đà Nẵng.

Tổng trữ lượng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố là 231.059 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nhiều khu vực đã có dấu hiệu cạn kiệt và nhiễm mặn nguồn nước, phân bố trên địa bàn rộng nên không thể khai thác với quy mô tập trung. Theo dự báo, nhu cầu dùng nước cho các ngành trên địa bàn thành phố là rất lớn. Cụ thể: Cho Nông nghiệp đến năm 2020 là hơn 90 triệu m3/năm; cho sinh hoạt năm 2015 là 93 triệu m3/năm, năm 2020 là khoảng 110 triệu m3/năm; cho Công nghiệp đến năm 2020 khoảng 27 triệu m3/năm…

(Theo Đà Nẵng Online)