Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dưới hoan hô, trên thờ ơ

(23:20:59 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Đợt giá rét năm nay sắp chạm ngưỡng kỷ lục về độ dài và lại làm hàng nghìn héc ta mạ ở miền Bắc chết, trong khi một sáng kiến giúp chủ động ứng phó lâu dài với giá rét và ứng cứu mạ khá hiệu quả lại có vẻ không được ngành nông nghiệp quan tâm.

 

Nông dân Mai Đình hồ hởi nhận mạ mang từ Đà Nẵng ra vụ đông xuân năm 2009-2010 sau khi thấy cuộc thử nghiệm một năm trước đó cho kết quả tích cực (Ảnh: Bùi Thế Viên)

 

 

Chống rét và hạn như chống giặc

 

Khô hạn, gió bấc quật ràn rạt vào mặt có tự ngàn đời nay hễ vào vụ đông xuân, quanh Tết Nguyên đán. Nhưng biến đổi khí hậu khiến các bất lợi thời tiết ấy ngày một gay gắt, xuất hiện ngày càng dày đặc. Đầu năm 2008, xảy ra đợt rét lịch sử dài 38 ngày, khiến số thóc giống gieo mạ ở miền Bắc tốn gấp ba lần so với bình thường do phải gieo lại nhiều lần để bù số mạ chết. Vậy mà chỉ ba năm sau, đợt rét lịch sử đang chuẩn bị được lặp lại, kèm theo là khô hạn chưa từng thấy.

 

“Rét đậm, rét hại còn có thể kéo dài 10 ngày nữa, như vậy sẽ tương đương đợt rét kéo dài 38 ngày năm 2008”, TS Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, nói, “Đáng chú ý, tỷ lệ ngày rét hại năm nay nhiều hơn năm 2008 nên ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây trồng nói chung và cây mạ nói riêng.”

 

Theo TS Nguyễn Trí Ngọc, vụ Đông-Xuân 2010 – 2011 gặp nhiều khó khăn hơn như hạn hán nặng, lượng mưa ít trong khi lượng nước chứa ở các hồ chỉ đạt 70% – 80%.

 

Dẫu đã chủ động đối phó với thời tiết bất thường, thế mà đợt gieo mạ từ tháng 12-2010, đầu tháng 1-2011, nơi nào sơ sểnh không che chắn tốt, mạ chết không kịp ngáp. Một số địa phương ở Bắc Trung Bộ như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, mạ xuân gieo sớm chết la liệt.

 

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn chủ động đưa ra biện pháp cho dân gieo mạ giống ngắn ngày để luồn lách thời tiết.  “Nhiều diện tích mạ đã gieo, nhất là mạ gieo sau ngày 10-1, các địa phương phải che chắn nilon, thậm chí dùng bóng điện sưởi ấm” – TS Ngọc cho biết. “Nếu nhiệt độ dưới 150 C, tốt nhất ngừng cấy”.

 

Nửa nước vào cuộc chống thiên tai, luồn lách thời tiết (chữ của nhà quản lý trồng trọt) như chống giặc. Nào là các tỉnh Bắc Trung Bộ được chỉ đạo trông giời trông đất xem ngày để chủ động lùi thời vụ quanh tiết lập xuân, đảm bảo cây mạ, lúa sinh trưởng và phát triển. Nào là có thể gieo mạ trên sân và chú ý đếm khi mạ đạt 2-3 lá (hơn 10 ngày) là đem cấy ngay, tức sau Tết Nguyên đán, v.v…

 

Luồn lách thời tiết đến thế, vậy mà mạ vẫn đổ liểng xiểng. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích mạ chết tính đến ngày 27-1 khoảng 200 ha và diện tích mạ cấy chết xấp xỉ 3.500 ha.

 

Hai năm gieo ý tưởng, kết quả bời bời

 

Về kết quả thí điểm gieo mạ ở tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng rồi chuyển ra cấy ở miền Bắc, ông Trương Quang Nhàn, Chủ nhiệm Hợp Tác Xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết “Hai đợt thí điểm năm 2009 và 2010 ở xã Mai Đình rất tốt. Phương thức này giúp thu hoạch sớm hơn 10 ngày so với gieo mạ và cấy tại miền Bắc.Không những vậy, năng suất mỗi sào Bắc Bộ (360 m2) còn cao hơn từ 7 đến 10 kg”.

 

Ông Bùi Thế Viên, cán bộ ngành nông nghiệp 30 năm kinh nghiệm trước khi nghỉ hưu, còn cho biết giá vận chuyển mạ rẻ hơn 10.000 đồng/sào so với tiền mua nilon để che chắn mạ. Như hiện nay giá nilon cho mỗi sào mạ khoảng 50.000 đồng, trong khi giá vận chuyển mạ từ TP Đà Nẵng hoặc tỉnh Quảng Nam ra Hà Nội chỉ khoảng 40.000 đồng/sào.

 

“Sau khi thử nghiệm, chúng tôi đã báo cáo kết quả tại hội nghị giao ban hàng quý của phòng kinh tế huyện Sóc Sơn. Sau hội nghị, phòng kinh tế đã cử cán bộ theo dõi quá trình phát triển và sinh trưởng của cây lúa. Họ đánh giá và xác nhận cây lúa sinh trưởng tốt, sâu bệnh cũng ít trong khi thời gian thu hoạch sớm hơn 5 – 7 ngày so với gieo mạ ngoài Bắc”, ông Nhàn kể.

 

Theo ông Viên, người trực tiếp tham gia thực hiện cuộc thí điểm, nhiệt độ ở Đà Nẵng – nơi thí điểm gieo mạ cho Hà Nội- thường ở mức ổn định, trung bình trên 200 C, rất thuận lợi cho gieo mạ. “Cứ trên 150 C là gieo cấy được”, TS Nguyễn Trí Ngọc xác nhận. Khi mạ được ngày, chuyển ra miền Bắc cấy thì đúng vào dip lập xuân, mạ cứ lên bời bời.

 

Tại sao qua hai lần thí điểm rất tốt, năm nay không tiếp làm nữa? Ông Nhàn thổ lộ: “Không có nhà tài trợ nữa”.

 

Còn ông Huỳnh Văn Thoòng, Giám đốc Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, đơn vị tài trợ cho ý tưởng “Hãy để miền Trung cấp mạ cho miền Bắc vụ đông-xuân” thì bộc lộ sự nản chí khi không thấy cơ quan quản lý quan tâm.

 

Chúng tôi hỏi người phụ trách ngành trồng trọt thì nhận được câu trả lời “chưa có chủ trương”. Vì sao vậy?

 

Ý tưởng “Hãy để miền Trung cấp mạ cho miền Bắc vụ đông-xuân” xuất phát từ gợi ý của một cố gái tên là Nguyễn Thị Huyền, giúp việc cho giám đốc một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Vị giám đốc nguyên là phi công, sinh ra và lớn lên ở một trình bắc miền Trung, hoàn thiện ý tưởng và tìm được một nhà tài trợ ở vùng đất lúa Nam Bộ thử nghiệm ý tưởng tại một xã ngoại thành của Hà Nội ngay sau đợt rét lịch sử năm 2008.

Theo Đình Cường-Quốc Dũng/TP