Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tôi có điều kiện đọc nhiều bài viết của “giáo sư rùa” Hà Đình Đức. Ông đặt giả thiết rằng quê cụ ở Thanh Hóa, nghĩa là đồng hương với vua Lê. Vào thế kỷ 15, vua Lê mang cụ từ Thanh Hóa ra, thả xuống Hồ Gươm - bấy giờ là hồ Tả Vọng.
Giả thiết ấy đặt ra từ việc sử cũ ghi vùng Lam Kinh, Thanh Hóa xưa có rất nhiều rùa to, trong khi chẳng sách nào ghi rằng vào thời Lý có rùa ở hồ Lục Thủy (Hoàn Kiếm) cả. Rồi, so sánh giữa rùa đá ở Văn Miếu và rùa đá ở Lam Kinh, rõ ràng rùa đá Lam Kinh do các nghệ nhân xứ Thanh gia công khi xưa trông giống tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm bây giờ hơn nhiều. Chưa kể, nếu quê cụ ở Hà Nội thì cụ cũng phải có bạn bè ở Hồ Tây và các hồ khác chứ, vì Hồ Tây và Hồ Gươm đều có nguồn gốc từ sông Cái Cổ.
Rõ ràng cộng thêm cùng truyền thuyết “Lê Lợi trả gươm,” giả thiết của giáo sư Hà Đình Đức có tính thuyết phục khá cao với những người quan tâm.
Nhưng mới đây, tại Hội nghị khảo cổ học Việt Nam lần thứ 45, tôi lại được nghe bản tham luận Cụ rùa Hồ Gươm quê gốc Thăng Long của nhà nghiên cứu Bùi Thiết, trong đó đưa ra nhiều kiến giải khác.
Dẫn chứng từ nhiều sử liệu, nhà nghiên cứu Bùi Thiết khẳng định rằng từ thời Lý, rùa đã xuất hiện ở Thăng Long nhiều lần. Riêng trong cuốn Việt sử lược, các sử gia đã hơn 20 lần nhắc tới rùa, trong đó lần sớm nhất là việc người quận Gia Lâm dâng con rùa lớn 6 mắt 3 chân lên vua Lý. Rồi liên tục, cho tới tận năm 1179, các triều vua Lý đều được dâng rùa.
Sử ghi có đủ cả rùa trắng, rùa xanh, rùa vàng, rùa trên mai có hình hà đồ lạc thư, rùa trên ngực có chữ Thiên Đế. Thậm chí, năm 1124, công chúa Thụy Thánh dâng vua con rùa có hẳn 4 chữ Dĩ hành pháp công, còn năm 1166 thì có vị Đại Liên Nguyễn An còn dâng rùa có tới... 7 chữ Thiên tử vạn tuế vạn vạn tuế trên ngực.
Ông Thiết còn dẫn hẳn một chi tiết trong cổ sử để kiến giải rằng vào thời Lý, các cụ rùa bò lổm ngổm rất sẵn trên vùng Thăng Long lắm ao đầm. Năm 1080, sau khi sửa chùa Diên Hựu (Một Cột), vua Lý Thánh Tông cho đúc chuông Giác Thế nặng 7,3 tấn đồng. Chuông nặng không treo nổi, phải đặt tại vùng ruộng trũng sau chùa.
Vùng ruộng này có quá nhiều rùa sinh sống nên lâu dần, người dân đổi tên thành Quy Điền Chung (chuông ruộng rùa). Như vậy là rùa ở Thăng Long xưa vốn rất sẵn, và có thể khi vua Lê vào tiếp quản thành Đông Quan (Hà Nội) thì hồ Tả Vọng đã có cụ rùa sinh sống?
Như lời thừa nhận của nhà nghiên cứu Bùi Thiết, cách kiến giải này đặt ra cũng chỉ để... cho vui, bởi chẳng nhà sử học nào có thể ngược thời gian trở về Hà Nội trong thế kỷ 15 và kiểm chứng.
Ngẫm rộng ra, dù cụ có ở Thăng Long từ thời Trần, ai dám chắc tổ tiên của cụ không được “tiến” từ vùng khác về triều đình rồi lưu lạc tới chốn sông hồ nơi đây? Cũng như, nếu cụ từ Thanh Hóa về Hà Nội trong thế kỷ 15, chẳng ai không coi cụ là “Hà Nội” - giống như trong lịch sử Hà thành, tất cả những người dân Hà Nội cũng đều có gốc gác từ những địa phương khác tụ hội về đây dần theo dòng chảy thời gian...
Bởi thế, việc tìm quê gốc cụ rùa, ngẫm ra cũng chỉ để cho vui. Bảo vệ cụ trong nhịp sống hiện nay mới là điều cần quan tâm trước hết...