Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện ở Việt Nam

(09:33:27 AM 25/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 24/7/2013, nhân lễ khai mạc Triển lãm Vietnam Ete và Hội chợ Enertec Expo 2013 tại Hội trường Trung tâm Hội chợ và Triển lãm quốc tế Tân Bình, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (CDM) – Viện Năng Lượng đã giới thiệu tham luận về Sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất ở Việt Nam.


 

Ông Nguyễn Đức Cường đang trình bày về sử dụng năng lượng sinh khối ở Việt Nam

 

Khác với các loại năng lượng tái tạo khác, năng lượng sinh khối không chỉ thay thế năng lượng hóa thạch mà nhiều khi còn góp phần sử lý chất thải vì chúng tận dụng các nguồn thải để sản xuất năng lượng.

 

Tiềm năng phát triển điện sinh khối

 

Tăng trưởng kinh tế  là một trong những động lực chính để tăng nhu cầu điện và năng lượng khi mức tăng GDP trong 10 năm qua là 7.2% và dự đoán trong 10 năm tới thì mức tăng trưởng vẫn không giảm. Xã hội phát triển kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện mạnh (tăng 14.5%/năm). Chính phủ cũng có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, với chính sách hỗ trợ giá đã thúc đẩy mạnh điện tái tạo trong 5 năm qua (2012 cơ cấu điện tái tạo đạt 3.7%). Và hơn hết, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng với hơn 100 triệu tấn được tái tạo hàng năm (rơm rạ, trấu, bã mía, gỗ và phế thải gỗ, vỏ lạc, đậu, phế thải dừa điều,…). Những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển điện sinh khối bền vững và lâu dài trong tương lai.

 

Hiện trạng các dự án điện sinh khối ở Việt Nam

 

Ở Việt Nam có 4 loại sinh khối chính được chọn: bã mía, trấu, gỗ và phế liệu gỗ, rơm rạ. Hiện tại, chúng ta đang có các dự án từ 4 nguồn sinh khối trên.

 

Dự án điện từ bã mía: 40 nhà máy đường với tổng công suất lắp đặt 150MW, trong đó đã có 5 nhà máy bán điện lên lưới.

 

Dự án điện từ trấu: có 1 nhà máy ở KCN Trà Nóc, 1 dự án ở Long An, 10 dự án điện trấu khác đều ở ĐBSCL nhưng vẫn chưa hoạt động.

 

Dự án điện từ phế thải gỗ, rơm rạ và các sinh khối khác: 1 dự án trồng và đốt cỏ voi (30MW), rơm rạ thì chưa có, 1 dự án gỗ và phế thải gỗ sử dụng dịch đen cho sản xuất hơi (giấy Bãi Bằng); còn lại sử dụng phế thải gỗ đốt trên lò hơi công nghiệp quy mô 2 – 20 tấn hơi/giờ cho sấy gỗ tại các nơi chế biến gỗ.

 

Nhưng thực trạng hiện tại sản xuất điện sinh khối ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng đúng mức, vẫn chưa khai thác hết các nguồn nguyên liệu sinh khối như ngọn và lá mía, bã mía ở nhiều nhà máy vẫn chưa thu gom hết; rơm rạ thì quy mô nhỏ, thu gom khó. Ở đồng bằng Sông Hồng người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch dẫn đến phí năng lượng. Ngoài ra giá điện bán ra thấp, giá điện cho các nhà máy đường ở Việt Nam 5,6 cent/kw thấp hơn so với Trung Quốc 12 cent/kw và Thái Lan 10 cent/kw. Do đó Nhà nước cần phải hỗ trợ và tạo điều kiện đúng mức để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năng lượng sinh khối (Biomass) là vật liệu sinh học được lấy từ cơ thể sinh vật, hay vừa mới tồn tại trong cơ thể sinh vật (chất thải). Trong ngữ cảnh của ngành năng lượng, sinh chất thường được dùng để nói về các vật liệu từ cây cỏ (bã mía, trấu, gỗ, rơm rạ,…), nhưng sinh chất có thể được áp dụng cho cả vật liệu từ động vật và thực vật.

MỸ HẠ