Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một cây gỗ bị chặt khoét gần một nửa phần gốc, chỉ còn chờ mưa gió giúp hạ gục (Ảnh: Âu Vượng)
Khi nghe về cách thức hoạt động của các băng nhóm lâm tặc, phóng viên NNVN đã quyết tâm ngụy trang thành dân cư bản địa, để thâm nhập rừng nghiến tại Bản Nhùng, xã Năng Khả. Gần 4 tiếng trên chiếc xe máy cà tàng xuất phát từ TP Tuyên Quang, chúng tôi đã có mặt tại đỉnh dốc, sát bìa rừng Bản Nhùng để chuẩn bị cho việc leo núi.
Thoạt nhìn, thì đây là một khu rừng yên tĩnh, không có tiếng cưa máy gầm rú đinh tai, chỉ có những khoảng trắng lạ thường trên các vạt rừng, sườn núi. Với quyết tâm đến tận nơi có cây nghiến bị chặt hạ, tôi và người dẫn đường đã có hơn một tiếng leo núi đá tai mèo lởm chởm, sắc nhọn, để rồi tận mắt, kiểm đếm từng gốc cây nghiến bị chặt hạ, cũng như phát hiện một lối khai thác gỗ quý quả là bài bản, có chủ ý (việc chặt hạ gỗ nghiến – nhóm gỗ quý hiếm 2a, diễn ra ngay sát đường nhựa mà lực lượng chức năng có lẽ không hề hay biết).
Những cây gỗ quý hay gỗ thường sau khi bị chặt hạ, đều được lâm tặc vận chuyển đi nơi khác một cách khá sạch sẽ, chỉ để lại những phần gốc, hoặc gỗ vỡ hỏng và phần rễ cây bám chặt vào vách đá tai mèo. Đôi khi việc chặt hạ còn bài bản ở chỗ chỉ chặt một phần ba hoặc một nửa dưới gốc, để sau thời gian có trận mưa gió, thì cây tự đổ, lâm tặc chỉ mỗi việc “tận thu” là xong!
Thế nên tiếp cận với cánh rừng nghe nói đã bị tàn phá nghiêm trọng, chúng tôi đứng dưới đường nhựa nhìn lên vách núi chẳng hề hay biết. Chỉ khi người dẫn đường hướng dẫn tôi leo lên các vạt núi không có bóng cây cổ thụ, mới phát hiện ra việc phá rừng nghiến. Việc phá rừng mới diễn ra, chúng tôi có mặt vào chiều ngày 19/7, thấy các đầu mẩu, gốc đang còn nằm trơ trọi dưới các hốc, khe đá mới chỉ thâm đen vết cưa cắt.
Hỏi, rừng nơi đây bị chặt hạ từ khi nào? Người dẫn đường cho biết: Phá rừng gỗ quý đã diễn ra âm ỉ nhiều năm, nhưng phá mạnh nhất là mấy năm gần đây khi cưa lốc xuất hiện và gỗ quý bán được giá. Người dân bản địa cũng chẳng biết gỗ được chở đến đâu để tiêu thụ.
Vừa leo núi dốc đứng, vừa tìm gốc nghiến, anh này cho biết thêm: Ngày trước họ toàn cắt lấy thớt, gùi xuống đường bán cho các đầu nậu gỗ. Mấy năm gần đây, chỉ cây nào không thể cắt làm gỗ theo ý muốn, họ mới xẻ lấy thớt.
Tất cả chỉ vì phong trào cắt những cây nghiến to, có đường kính hơn 1 mét để làm giường, sập (loại gỗ làm sập thường xẻ dày 15 đến 20 cm, rộng từ 75 cm trở lên, dài 2,8 đến 3,3 mét) cho những người nhiều tiền lắm của. Giá mỗi bộ sập nghiến đầy đủ cả chân, khuôn, từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Sập gỗ nghiến càng rộng, dài thì giá càng cao.
Sau khi leo núi xong, người dẫn đường tiếp tục đưa tôi đến một khúc gỗ nghiến có đường kính rộng khoảng 1 mét, dài khoảng 3 mét nằm trên vách đá, đã được ngụy trang bằng cách đắp đất đá khá kín đáo, chỉ cách mép đường nhựa khoảng 4 mét và dẫn giải: “Khúc gỗ nghiến này có thể xẻ làm sập, làm bệ phục vụ cho những người nhiều tiền, do đó họ cứ để cả khúc gỗ tròn như thế này bán cho khách mới được giá cao”.
Rừng nghiến Bản Nhùng kêu cứu. Chúng tôi xin chuyển những thông tin trong bài viết này đến các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang để sớm vào cuộc làm rõ.
Theo số liệu của Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng tỉnh này đã phát hiện và xử lý hơn 500 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Riêng xử lý hành chính 521 vụ, xử lý hình sự 10 vụ; tịch thu tang vật khoảng 300 mét khối gỗ các loại, trong đó có khoảng 100 mét khối gỗ quý hiếm… Trong đó, nạn phá rừng được cho là nóng nhất vẫn tồn tại ở hai huyện có nhiều gỗ quý hiếm là Chiêm Hóa và Na Hang. |