(Tin Môi Trường) - Theo Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 14/1/2013, bắt đầu từ ngày 1/7/2013 bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với một số thiết bị gia dụng khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa nhãn so sánh và nhãn chứng nhận tiết kiệm năng lượng.
Theo quy định, đối tượng của chương trình dán nhãn năng lượng bao gồm: Các sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng đơn lẻ đáng kể, các sản phẩm được sử dụng rộng rãi cho mục đích sinh hoạt, trong các văn phòng, trong sản xuất kinh doanh, các sản phẩm chưa sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng hiện có trên thị trường. Cụ thể, đối với các thiết bị gia dụng bắt buộc dán nhãn từ ngày 1/7/2013 gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện. Đối với nhóm thiết bị công nghiệp: Máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện.
Những kết quả bước đầu
Nhãn năng lượng xác nhận và so sánh của Việt Nam
Cho đến nay, chương trình dán nhãn năng lượng đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan: đã có hơn 200 sản phẩm thuộc lĩnh vực gia dụng của 90 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu được dán nhãn và bày bán trên thị trường. Việc xuất hiện các sản phẩm, thiết bị dán nhãn năng lượng trên thị trường bước đầu đã tạo ra sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về đẳng cấp và chất lượng thiết bị. Các doanh nghiệp cũng rất chủ động và nhiệt tình hưởng ứng hoạt động dán nhãn, đây là dấu hiệu tốt khẳng định hiệu quả của chương trình dán nhãn năng lượng.
Theo kinh nghiệm của các nước, thực hiện thành công dán nhãn năng lượng và nhãn tiết kiệm năng lượng sẽ là yếu tố tích cực đóng góp cho việc hoàn thành các mục tiêu của quốc gia về tiết kiệm năng lượng được xác lập trong các chương trình dài hạn về bảo tồn năng lượng, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Quy định chưa rõ ràng, thiếu nguồn lực tư vấn… gây khó khăn cho doanh nghiệp
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc thiếu những hướng dẫn chi tiết về quy định các thiết bị dán nhãn đang gây nhiều trở ngại cho cả doanh nghiệp và các cơ quan thực thi như quản lý thị trường, trung tâm đo lường chất lượng, các sở công thương, hải quan… Ví dụ như khi quy định đèn chiếu sáng nhập vào Việt Nam phải có nhãn năng lượng, nhưng không có danh sách cụ thể và đặc điểm rõ ràng… làm cho hải quản khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát.
Biên cạnh đó, hiện nay, Tổng cục năng lượng trực thuộc Bộ Công thương là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm cấp chứng nhận nhãn năng lượng cho hàng 100 doanh nghiệp phủ rộng trên toàn quốc. Do vậy, việc đánh giá doanh nghiệp đủ điều kiện dán nhãn theo quy mô lớn sẽ không thể tránh khỏi ách tắc vì không đủ nguồn lực.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM thì thủ tục cấp xin cấp chứng nhận nhãn năng lượng hiện nay còn khác phức tạp, hơn nữa, có quá nhiều thuật ngữ, chỉ số chi tiết về kỹ thuật phức tạp mà chính bản thân các đơn vị có thiết bị cần dán nhãn không thể hiểu đúng. Chính vì lẽ đó, nhu cầu cần đến các đơn vị tư vấn, lập hồ sơ xin cấp nhãn hiện nay là rất lớn. Bên cạnh đó, việc dán nhãn đã chính thức bắc buộc, song ngay bản thân doanh nghiệp có thiết bị dán nhãn vẫn còn chưa hiểu đúng về ý nghĩa của nó, nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng nhãn năng lượng với nhãn tiết kiệm năng lượng là một.
Ông Tước cho biết “Nhãn mà các doanh nghiệp bắt buộc phải dán hiện nay là nhãn chứng nhận sản phẩm có hiệu suất năng lượng theo một mức độ nhất định và trung thực như chính bản thân tiêu thụ năng lượng của sản phẩm đó. Nhãn năng lượng này khác với nhãn tiết kiệm năng lượng chỉ dán cho các thiết bị hiệu quả năng lượng mà thôi. Việc nhiều doanh nghiệp hiểu chưa đúng về nhãn năng lượng nên truyền thông sai ý nghĩa dẫn đến việc hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp kiến thức về nhãn năng lượng, ý nghĩa của các mức của nhãn năng lượng…”
Thực hiện dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao; buộc các nhà buôn bán, nhập khẩu thiết bị phải chọn các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đang lưu thông trên thị trường.
Hiện nay, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng đang cung cấp dịch vụ tư vấn lập hồ sơ xin thủ tục cấp chứng nhận nhãn năng lượng.
Mọi thông tin liên quan, vui lòng liên hệ:
Anh Diệp Thế Cường – ĐT: 0909.997.165
Email: thecuong@ecc-hcm.gov.vn