(Tin Môi Trường) - Lần đầu đặt chân đến Gia Lai, Chủ tịch Bùi Pháp của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đã bị cuốn hút bởi nguồn tài nguyên rừng dồi dào của nơi này, vì thế ông mang quyết tâm xây dựng một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ chuyên nghiệp tại Việt Nam và ăn nên làm ra nhờ nó. Tâm sự của ông chủ Đức Long Gia Lai được đăng tải trên website của Tập đoàn này.
Giàu lên nhờ gỗ
Từ một chỉ vàng và 170.000 đồng khởi nghiệp, đến tháng 9/1995 ông Bùi Pháp đã thành lập ra công ty Đức Long Gia Lai với ngành nghề là chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
ĐLGL có số vốn ban đầu là 3,6 tỉ đồng, 9.700m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công, bán tự động. Sau 15 năm vừa sản xuất và xây dựng, ĐLGL đã phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 150.000m2 mặt bằng nhà xưởng, sân bãi với 4 nhà máy sản xuất cùng 7 dây chuyền chế biến sản phẩm gỗ hiện đại.
Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Bùi Pháp
ĐLGL đã sản xuất 3 dòng sản phẩm chính: Sản phẩm đồ gỗ nội thất, ván lót sàn, sản phẩm sân vườn và ngoài trời để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đến các nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức, Nhật, Singapore, Thái Lan...
Tháng 6/2007 công ty thành lập và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, từ đó ĐLGL lần lượt thành lập 20 công ty thành viên, mở và liên kết thành lập 13 chi nhánh, cửa hàng trong và ngoài nước.
Trong năm 2010, Tập đoàn đã chính thức niêm yết thành công cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (mã chứng khoán DLG). Trước đó Công ty CP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai (Công ty thành viên của Tập đoàn) cũng đã niêm yết thành công trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (mã chứng khoán DL1).
Cũng nhờ việc sản xuất và chế biến gỗ mà chỉ trong một thời gian ngắn, đến năm 2012, vốn điều lệ của công ty ĐLGL đã lên tới gần 671 tỷ đồng, đưa Chủ tịch Bùi Pháp lên đứng vị trí 39 trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán
"Càng sống tôi càng thấu hiểu, nói là phải đi đôi với làm, mà đã làm thì phải đến nơi đến chốn thì mới đi đến được cánh cửa thành công, vì thế tôi đã lấy câu: 'Đi là đến' làm kim chỉ nam cho các hành động của mình cũng như cho toàn công ty” - Chủ tịch Bùi Pháp chia sẻ.
Vừa phá rừng vừa làm thuỷ điện
Ngoài ngành nghề chính là chế biến gỗ và xuất khẩu ra nước ngoài, Tập đoàn ĐLGL còn đẩy mạnh phát triển thuỷ điện. Dự án đáng chú ý nhất của Tập đoàn này phải kể đến chính là hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A đã được triển khai từ 6 năm trước - năm 2007.
Để triển khai 2 dự án thuỷ điện này, Tập đoàn ĐLGL đã chiếm dụng 137 ha rừng Cát Tiên (theo dự tính ban đầu) và theo ĐLGL sẽ không hề ảnh hưởng đến hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học của khu rừng ngàn năm tuổi này.
Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đồng Nai thì dự án thủy điện 6, 6A đã xâm hại trực tiếp vào vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên, việc tích nước tạo các hồ chứa sẽ nhấn chìm hàng trăm ha rừng tự nhiên giàu có và vi phạm hàng loạt Luật.
Đồng thời các dự án thủy điện trên còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc Việt Nam đang đề cử Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới.
Trước những cáo buộc phá rừng, Tập đoàn ĐLGL có văn bản không thừa nhận sự thật là 2 dự án thủy điện này như một “nhát dao” đâm thẳng vào Vườn Quốc gia Cát Tiên, “ăn” một phần vườn quốc gia mà luôn cho rằng khoảng cách 25km từ vị trí dự án đến trung tâm vườn thì “không gây ảnh hưởng”.
Chủ đầu tư tiếp tục cho rằng nếu 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A được xây dựng sẽ “điều tiết” nước tốt hơn, giúp cho khu đất ngập nước - Ramsar Bàu Sấu giữ nước ổn định hơn; việc chiếm dụng 137 ha rừng Cát Tiên (theo dự tính ban đầu) cũng không hề ảnh hưởng đến hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học của khu rừng ngàn năm tuổi này.
Sau khi “tiếp nhận” các lập luận của Tập đoàn ĐLGL, tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VNR) đã nêu một loạt phản biện, chỉ rõ sự lập lờ và ngây ngô của chủ đầu tư.
VNR khẳng định dự án thủy điện Đồng Nai 6 làm ngập 171,36 ha, trong đó rừng phòng hộ Nam Cát Tiên ngập 77,9 ha, diện tích VQG Cát Tiên ngập 77,9 ha (tiểu khu 506); riêng thủy điện Đồng Nai 6A gây ngập vĩnh viễn 184,61 ha, chiếm dụng VQG Cát Tiên 50,55 ha (thuộc tiểu khu 497).
VRN cũng khẳng định diện tích rừng chắc chắn sẽ còn mất nhiều hơn nếu 2 dự án thủy điện này được xây dựng vì những ảnh hưởng trong suốt quá trình thi công và vận hành.
“Đó là những lỗ hổng trong đánh giá tác động môi trường. Họ không hiểu hoặc cố tình để có một phương pháp tiếp cận sai lệch dẫn đến những đánh giá không trung thực, nhìn nhận trong phạm vi hẹp. Cả về các nhu cầu, giá trị sử dụng nước, tầm ảnh hưởng đối với đồng bào vùng hạ du, chủ đầu tư cũng chưa thể làm rõ” - TS. Vũ Ngọc Long, đại diện VNR, nói.