Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ăn mà không trả tiền: Xử lý ra sao?

(21:34:19 PM 22/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Thuật ngữ Dine and Dash trong lĩnh vực nhà hàng có nghĩa là khách ăn xong rồi bỏ đi, không thanh toán tiền. Đây là hành vi sai trái mà nhiều nước xem là hành vi ăn cắp và phải bị trừng phạt.

 

 Ảnh minh họa

 

Tuy nhiên nhìn chung các nước đều xác định hành vi ăn rồi bỏ đi, không thanh toán tiền không phải là một loại tội phạm, mà mang tính chất vi phạm và thiếu văn hóa. Do đó, cảnh sát sẽ không nhập cuộc trong trường hợp này mà nhà hàng phải tự xử lý và chịu các thiệt hại, nếu có.

 

Các nhà hàng cần phải hiểu ý nghĩa của điều này vì thông thường khách hàng không có ýđịnh vào nhà hàng để ăn rồi bỏ chạy, mà chỉ khi có cơ hội thì tránh thanh toán. Chẳng hạn, một nhóm người vào nhà hàng ăn uống, trong quá trình đó, một số người vào nhà vệ sinh rồi lẻn đi, những người còn lại thấy họ cũng không đủ tiền thanh toán nên tìm cách tránh sự chú ý của nhân viên nhà hàng để lặng lẽ rời bàn ăn.

 

Nếu không phát hiện khách ăn xong rồi bỏ đi, không thanh toán thì có một số cách để xử lý: Đến cuối ca, nhà hàng kiểm tra lại hóa đơn bán hàng lẫn phần thu vào, nếu chênh lệch thiếu thì nhân viên phục vụ khu vực (có thể cả quản lý khu vực) đó chịu trách nhiệm bỏ tiền túi ra đền.

 

Dĩ nhiên, rất khó phát hiện vị khách nào có ý định ăn xong rồi không trả tiền. Đặc biệt, trong lúc cao điểm, việc kiểm soát trở nên khó khăn gấp bội. Thông thường các nhà hàng phân công nhân viên phụ trách một số khu vực, có nhiệm vụ thường xuyên giám sát các bàn ăn để đảm bảo khách được phục vụ đầy đủ lẫn kiểm soát được việc thanh toán tiền của họ. Ở những nhà hàng lớn còn có cấp quản lý giám sát khu vực để hỗ trợ nhân viên và cùng kiểm soát những gì đang diễn ra tại nhà hàng.

 

Thực tế việc quy trách nhiệm cho nhân viên phụ trách có ý nghĩa giúp họ nhạy bén hơn để phát hiện hành vi “ăn chùa” của khách, và cũng để tránh hành vi gian lận của chính nhân viên, tức khách đã thanh toán nhưng báo chưa để bỏ túi riêng.

 

Ở một số nước, việc bắt nhân viên phải trả tiền cho khách ăn xong mà trốn thanh toán là trái luật vì số tiền không được thanh toán có khi vượt quá thu nhập trong tháng của họ. Tuy nhiên, nhân viên luôn đối mặt với việc phải chấp nhận trả tiền cho kẻ khác ăn gian để giữ việc hoặc chấp nhận mất việc để khỏi thanh toán. Các nhà hàng vẫn có thể “lách luật” bằng cách buộc nhân viên thanh toán từng phần hay trừ lương mỗi tháng.

 

Nếu bắt được khách ăn mà không trả tiền thì phải kiểm soát tình huống một cách tối ưu. Đòi nợ thô bạo không phải là cách giải quyết trong mọi trường hợp. Đừng nghĩ rằng họ là ăn trộm mà cho nhân viên đánh đập khách. Làm ầm ĩ mọi việc tại nhà hàng không phải là chuyện tốt. Có thể yêu cầu họ bỏ lại vật có giá trị để về nhà lấy tiền thanh toán hay gọi bạn bè, người thân đến nhà hàng trả tiền hộ. Nguyên tắc quan trọng nhất là nhìn vào khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu thực sự họ quá khó khăn, không thể trả được một lúc thì có thể cho họ trả làm nhiều đợt, tùy vào số tiền nợ ít hay nhiều.

THIÊN THẢO (Ẩm thực& khách sạn)