Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xe hai nguồn động lực bảo vệ môi trường

(09:55:05 AM 22/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Gần đây, dư luận bắt đầu bàn tán về một loại xe ô tô mới gọi theo tên tiếng Anh là xe Y-bờ-rít (Hybrid). Trong tiếng Anh, chữ Hybrid có nghĩa là hỗn chủng, con vật lai, con người lai huyết thống, lai nòi giống, giống cây lai ...Thế loại xe sử dụng hai nguồn động lực có nguồn động lực nào ?


Một mẫu xe ô tô Hybrid mới- Ảnh minh họa IE

 

Đó là nguồn động lực truyền thống: Máy nổ hay thuật ngữ kỹ thuật còn gọi là động cơ đốt phía trong thân máy, gọi tắt là động cơ đốt trong (Để phân biệt với động cơ đốt ngoài tức là loại máy hơi nước dùng trên tàu hoả và tàu thuỷ trước đây. Hơi nước được sản ra bằng thiết bị nồi hơi đốt nhiên liệu phía ngoài nồi hơi cũng như ngoài thân động cơ).

 

Động cơ đốt trong trên ô tô sử dụng nhiều loại nhiên liệu khác nhau như xăng, dầu ga-doan (gasoil), khí sinh học (Methal gas), khi các-bon oxýt (CO), khí dầu mỏ hóa lỏng và cồn sinh học như ê-ta-nôn (Ethanol), mê-ta-nôn (Methanol);

 

Nguồn động lực thứ hai có thể cùng lắp trên ô tô là các bình tích điện, còn gọi là bình điện hoặc ắc-quy (Accu) hoặc pin nhiên liệu. Đây là nguồn năng lượng điện dùng để kéo chạy một chiếc động cơ điện. Chiếc động cơ điện này lại kéo các bánh xe của ô tô để xe chạy.

 

Như vậy là trên một chiếc xe, người ta có thể sử dụng không đồng thời hoặc đồng thời hai nguồn động lực này. Điều đó nhằm cải thiện sự ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với các thành phố đông dân cư, do khí độc chứa trong khí thải của động cơ đốt trong thải ra khi động cơ hoạt động.

 

Và thế là khi xe chạy trong thành phố, người ta chỉ sử dụng nguồn động lực là điện chứa trong bình ắc-quy hoặc do pin nhin liệu cung cấp để chạy động cơ điện. Khi động cơ điện kéo xe chạy, nó không hề thải ra bất kỳ một loại khí độc nào. Nó lại rất êm, không gây ô nhiễm tiếng ồn. Như vậy nó biến thành chiếc xe chạy bằng điện, nói tắt là xe điện.

 

Nhưng lượng điện chứa trong bình thì có hạn nên cho đến nay, quãng đường xe điện kiểu này có thể chạy được thì không dài và sau mỗi lần xe hết điện, phải mất thời giờ nạp điện. Trong thời gian nạp điện, xe phải ngừng hoạt động. Hiện nay đã có loại pin nhiên liệu, trực tiếp biến nhiên liệu thành điện năng để kéo động cơ điện chạy.

 

Khi chiếc xe này thoát khỏi thành phố mà chạy ra ngoại ô, đi các tỉnh khác, để tiết kiệm nguồn điện lúc này xe lại dùng nguồn động lực từ động cơ đốt trong để kéo. Do không gian hoạt động của xe lúc này thoáng đãng nên việc xe gây ra ô nhiễm tiếng ồn và khí xả là không đáng để lưu tâm.

 

Ở ngoài thành phố, khi loại xe hai nguồn động lực này hoạt động ở tốc độ cao, thậm chí, một phần công suất của động cơ đốt trong còn được dùng để kéo máy phát điện, nạp bổ sung cho nguồn động lực điện là các bình điện (ắc- quy) đang được tách khỏi việc kéo xe.

 

Vì vậy, thế giới hiện nay đang nghiên cứu sản xuất đại trà loại xe dạng hai nguồn động lực này để hạn chế ô nhiễm không khí do xe cơ giới đường bộ dùng nhiên liệu truyền thống gây ra. Chính ô tô là đối tượng chính gây ô nhiễm cho bầu không khí mà con người trên toàn cầu hiện nay đang phải chung sống hàng ngày.

 

Có người nào đó khởi đầu giới thiệu loại xe này ở nước ta và gọi loại xe này là “xe lai” do dịch nguyên nghĩa đen của từ Hybrid. Nhưng xét về bản chất vật lý trong trường hợp này thì chả có yếu tố nào là  “LAI” giữa hai nguồn động lực được sử dụng tách biệt, hoặc đồng thời. Tuy nhiên không nhất thiết lúc nào xe cũng đồng thời phối hợp cả hai nguồn động lực nêu trên dùng để kéo chiếc xe chạy nên không có chuyện cái gì lai cái gì ở đây cả.

NGUYỄN LÊ NINH (PGS.Cơ khí động lực, TS.Động cơ đốt trong)