(Tin Môi Trường) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Yên vừa xuất bản cuốn sách "Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc: Từ quê lúa Tuy Hòa đến đại ngàn Trường Sơn". Đây là tập ký chân dung về đồng chí Đào Tấn Ngoạn, do hai tác giả TS. Đào Nhật Kim và ThS. Phan Thanh Bình dày công sưu tầm, biên soạn qua cứ liệu lịch sử, ký ức đồng đội, cảm nhận của người thân và di bút của chính ông viết về một số vùng đất, con người mà ông đã gắn bó máu thịt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Tập ký chân dung về đồng chí Đào Tấn Ngoạn, ngoài Lời giới thiệu, Lời tựa, Lời kết, Lời cảm tạ, Tài liệu tham khảo, nội dung được chia làm 5 phần với độ dày gần 500 trang có thêm 182 ảnh màu và đen trắng, là những tư liệu quý phản ánh một cách hệ thống, sinh động cuộc đời và hoạt động cách mạng đầy gian khó nhưng vô cùng vẻ vang của đồng chí Đào Tấn Ngoạn - một cán bộ lão thành tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa. Với cấu trúc logic chặt chẽ, hợp lý, tập ký chân dung tựa như một cuộn phim tư liệu lịch sử phảng phất gam màu huyền thoại, cuốn hút bởi cách hành văn khúc chiết, giúp người đọc hiểu một cách khá tường tận đời sống xã hội, khí thế cách mạng của nước ta trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945; hiểu được những khó khăn ác liệt, những mất mát hy sinh của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; trong đó Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc là một nhân chứng lịch sử - suốt đời trung thành với dân với Đảng.
Đồng chí Đào Tấn Ngoạn sinh ngày 19 tháng 9 năm 1923 tại ấp Mỹ Thành, làng Tây Phú, tổng Hoà Tường, phủ Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên (nay là thôn Mỹ Thành, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên) trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Nơi đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, nhiều trí thức, nhà thơ tên tuổi làm rạng danh quê hương đất Phú. Truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình, quê hương đã ảnh hưởng đến Đào Tấn Ngoạn ngay từ thời trai trẻ. Đào Tấn Ngoạn sớm tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, sau đó được Đảng cho đi học và đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau. “Có lúc là Bí thư Huyện ủy nhưng sau đó xuống trực tiếp làm Đội trưởng một đội công tác, có lúc đang làm Bí thư Tỉnh ủy nhưng sau đó theo yêu cầu nhập tỉnh nên chuyển làm Ủy viên Thường vụ phụ trách một ban, có lúc đang là Phó ban của Khu ủy lại xuống nhận phân công là Bí thư một huyện…nhiệm vụ nào của Đảng giao, người đảng viên cộng sản Đào Tấn Ngoạn cũng tận tâm, tận lực để hoàn thành”.
Sinh thời Đào Tấn Ngoạn không viết nhật ký và cũng rất ít khi nói về mình, nhưng qua ký ức đồng đội, những cộng sự và người thân của ông luôn cảm nhận sâu sắc những cống hiến to lớn và phẩm chất đặc biệt ở người đảng viên chân chính Đào Tấn Ngoạn, suốt đời trung thành với dân với Đảng. Ông Phan Ngọc Bích, là đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1930, huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, nhớ hình ảnh người thanh niên Đào Tấn Ngoạn trong phong trào yêu nước những năm 1943-1944 ở Nhà máy đường Đồng Bò: “ Tôi nhớ lúc ấy, Đào Tấn Ngoạn mới 20 tuổi, một thanh niên có vóc người trung bình, đôi mắt sáng, tràn đầy nhiệt huyết. Anh đã được thử thách bước đầu qua các hoạt động yêu nước do Đảng lãnh đạo ở quê nhà nên rất hăng hái ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân”. Khi trở thành Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc phủ Tuy Hòa mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng Đào Tấn Ngoạn đã thể hiện sự gương mẫu, chí công vô tư.
Đào Tấn Ngoạn thời kỳ hoạt động tại miền Tây Thừa Thiên Huế (1956-1960)-Tranh vẽ từ ảnh chụp do gia đình cung cấp
Điều đó còn mãi đọng lại trong ký ức của Đặng Minh Phương- nhà báo, nguyên Ủy viên Bộ Biên tập báo Nhân dân: “ Anh là một cán bộ gương mẫu, chí công vô tư hết lòng vì nhiệm vụ chung, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, sống khiêm tốn, giản dị, chan hoà với đồng bào, đồng chí, không ngại hy sinh, không nề gian khổ. Cả cuộc đời hoạt động của anh sau này đã chứng minh điều đó với gần 30 năm gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn, từ miền Tây Trị - Thiên đến Tây Nguyên”. Với Vũ Tấn Lộc, nguyên Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Đắc Lắk nghĩ về người đồng chí kiên trung, trọn đời vì dân, vì Đảng: “...suy nghĩ của mình về một đồng chí kiên trung với tên thật là Đào Tấn Ngoạn, thường gọi là Ama Lộc. Mặc dù ông đã đi xa nhưng phẩm chất đạo đức, lối sống lý tưởng mà ông đã cống hiến cả đời cho cách mạng mãi mãi là tấm gương cho bạn bè, người thân noi theo và tự hào về ông”.
Riêng với Ku Tông, nguyên cán bộ Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên thời kỳ 1956-1960, nguyên Bí thư Đảng ủy Miền Tây, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế luôn kính trọng Kôn Meo - Đào Tấn Ngoạn, như người anh lớn của mình: “ Trong phong trào cách mạng rộng lớn ở miền Tây Thừa Thiên trong những năm khó khăn nhất của cách mạng miền Nam, Bí thư Kôn Meo để lại tấm gương sáng về sự tận tụy quên mình vì việc chung, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng”. Sâu sắc và cô đọng là Lời tựa cuốn sách do đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương viết: “…Trên nền sử liệu và qua ký ức của đồng chí, đồng đội một thời máu lửa quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hình tượng người cán bộ cách mạng tự nguyện cà răng, căng tai, đóng khố, học tiếng dân tộc thiểu số, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con các dân tộc thiểu số để xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị mở đường Trường Sơn, lãnh đạo đồng khởi giải phóng miền Tây Thừa Thiên…tái hiện sinh động trên từng trang sách. Không chỉ thế, cuốn sách tái hiện khái quát, cô đọng cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách của đồng chí Đào Tấn Ngoạn ở những chiến trường ác liệt nhất của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ…Ông và đồng chí, đồng đội thế hệ ông như những cánh chim phượng hoàng không mỏi của đại ngàn Trường Sơn một thời lửa đạn, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, góp phần viết nên bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX”....
Tập ký chân dung đồng chí Đào Tấn Ngoạn còn rất nhiều ký ức của đồng đội, người thân viết về ông, một người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời vì dân vì nước: Kôn Meo (Đào Tấn Ngoạn) tham gia mở đường Trường Sơn; Kôn Meo tâm huyết đào tạo trí thức dân tộc; Kôn Meo (Đào Tấn Ngoạn) là một phần của lịch sử Thừa Thiên thời chống Mỹ; Ama Lộc, người bí thư mẫu mực của huyện Krông Pách những năm sau giải phóng; Ama Lộc – một đồng chí, đồng đội cả đời gắn bó với Tây Nguyên; Ama Lộc – người cán bộ hết lòng vì dân..., một “huyền thoại sống” Kôn Meo trong lòng nhân dân A Lưới, Nam Đông ở miền Tây Thừa Thiên Huế…
Năm tháng đi qua, từ miền duyên hải đến núi rừng Trường Sơn, cây rừng đã phủ lên dấu chân Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc trên bước đường vạn dặm, nhưng cuộc đời 78 năm với 56 năm tham gia cách mạng, gần 55 năm tuổi Đảng của ông - một tấm gương sáng về lòng trung thành với dân với Đảng thì vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm của đồng chí, đồng đội, người thân và còn mãi với thời gian. Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc là niềm tự hào để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.