Ảnh minh họa
Nhiều người tỏ ra thương tiếc trước sự vong thân này nhưng đa số thì hả hê bởi theo họ phải như thế thì mới đáng.
Đây không phải là vụ cá biệt. Một tháng trước, hai thanh niên mò vào thôn Án Sơn, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa bắt trộm chó, bị người dân phát hiện, liền rút súng bắn đạn hoa cải nã thẳng vào những người truy đuổi. Điên tiết, người dân Án Sơn xông vào đánh hội đồng khiến một trong hai kẻ nổ súng tử vong. Trước vụ này 10 ngày, phát hiện 2 thanh niên đi xe máy bắt trộm chó, người dân xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đánh kẻng báo động để vây bắt, đốt xe máy và đánh chết một trong hai cẩu tặc.
Đã có nhiều vụ tương tự, đa số xảy ra tại các tỉnh phía Bắc và hậu quả đều rất đau lòng. Xu hướng cho thấy nạn trộm chó sẽ còn tái diễn, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều cẩu tặc vong mạng; còn người ra tay hành hung dẫn đến chết người - trong nhiều trường hợp - bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể phải ngồi tù.
Biết là luôn có nguy cơ phải trả giá đắt nhưng cẩu tặc vẫn không chừa, ấy là bởi lợi nhuận từ chó quá lớn. Một kẻ trộm chó bị bắt từng khai: Mỗi ngày, hai người đi trộm bắt được khoảng 5 con chó, tổng trọng lượng khoảng 70 kg x 80.000 đồng/kg = 5,6 triệu đồng. Mỗi tháng, cả hai thu vào gần 170 triệu đồng! Siêu lợi nhuận đã làm mờ mắt đạo tặc, không còn biết luật pháp là gì. Hơn thế nữa là do hình phạt đối với hành vi trộm chó còn nhẹ (giá trị tài sản mất trộm dưới 2 triệu đồng thì không bị xử lý hình sự). Thực tế cho thấy hầu hết các vụ trộm chó đều không bị hình sự hóa, vậy nên cẩu tặc lờn luật, thậm chí ra tay rất hung bạo khi cùng đường, như vụ cẩu tặc bắn chết ông Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, hồi tháng 10-2012 khi ông Hiếu truy đuổi chúng để giành lại con thú cưng của mình.
Luật dù chưa chặt nhưng trong một xã hội pháp quyền, không thể chấp nhận hành vi bạo lực đối với những người trộm chó. Đã có trường hợp người dân vì quá tức giận đã cột cẩu tặc vào xe, cho nổ máy và kéo lê trên đường cho đến chết. Một kiểu hành hình như thời trung cổ, rất đáng lên án.
Người dân quê vốn không am tường pháp luật đã đành nhưng cách xử lý vụ việc sơ sài của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân khiến họ vi phạm pháp luật một cách vô thức. Cứ vin vào chuyện đánh hội đồng, không xác định rõ cá nhân cụ thể nào đã ra tay làm bị thương hoặc chết người nên cơ quan pháp luật không xử lý ai, thế là người dân hễ gặp cẩu tặc là "xử"!
Đây cũng là hậu quả của sự mất cân đối trong các chính sách phát triển nông thôn. Trước nay, chúng ta quá chú trọng về phát triển kinh tế mà xem nhẹ việc nâng cao trình độ văn hóa và pháp luật cho người dân, do đó khó tránh khỏi việc họ hành xử theo bản năng.
Không thể để tình trạng con chó đổi mạng người diễn ra mãi. Ngăn chặn nó, không còn cách nào khác, phải bắt đầu từ việc "vá" các thiết chế luật pháp sao cho thật chặt chẽ, hoàn thiện.