Đến 13 giờ ngày 20/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế khoảng 230 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Hồi 13 giờ hôm nay (19/7), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ ngày mai (20/7), vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h ngày 19/7, Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa Vũng, Hải đoàn 38 , 48, 18 phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 52.717 phương tiện với 264.169 lao động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Trong đó có 61 phương tiện với 833 lao động hoạt động ở khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; 1.070 phương tiện với 10.323 người hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa; số còn lại hoạt động ở các khu vực khác và neo đậu tại bến.