Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chơi xuân, phòng ngộ độc cây cảnh

(00:31:15 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Ngày xuân, cần lưu ý một số cây cảnh và hoa điều để, khi chơi, khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng, dù không ít trong số đó vẫn được dùng làm vị thuốc.

Ngoài các cây như trúc đào (tên khoa học là Nerium oleander), thơm ổi (Lantana spp), ngoắt nghẻo (Gloriosa superba), cà độc dược (Datura metel), v.v…, dường như biết khá rõ độc tính, còn có thể một số hoa và cây sau đây rất dễ được mang vào nhà làm cảnh.

 

Đỗ quyên (Rhododendron occidentale). Tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc, gây buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Một lượng 100 đến 225 gram lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25 kg.

 

Thiên điểu (Strelitzia reginae), hoa và hạt có các chất gây ngộ độc đường ruột. Tiếp xúc hoặc ăn hoa, hạt sẽ khiến buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt.

 

Môn kiểng (Caladium hortulanum), tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc. Ăn phải sẽ dẫn đến nguy cơ bị bỏng, ngứa rát vùng miệng, niêm mạc ruột.

 

Hoa loa kèn Arum/ Ý lan (Zantedeschia aethiopica), lá và củ cây đều có chất độc đường ruột. Khi ăn phải loại thực vật này có thể bị ói mửa, bỏng rát bề mặt niêm mạc.

 

Xương rồng bát tiên (Euphorbia milii splendens), nhựa cây gây bỏng rát da khi tiếp xúc.

 

Anh Thảo (Cyclamen persicum), củ có chất độc gây khó tiêu, tiêu chảy, ói mửa nếu ăn phải.

 

Chuỗi ngọc (Sedum morganianum), tất cả bộ phận có chất gây mệt mỏi, khó thở, tiêu chảy nếu ăn phải.

 

Môn lá lớn (Colocasia spp), tất cả các bộ phận trên cây đều chứa chất gây ngứa và bỏng rát cổ họng, tiêu chảy nếu ăn phải.

 

Hồng môn/môn lá đỏ (Anthurium spp), tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố gây bỏng rát vùng họng, dạ dày và ruột.

 

Dạ lan (Hyacinth orientalis), củ có độc tố gây đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy nếu ăn phải.

 

Cẩm tú cầu (Hydrangea macrophylla), lá và củ có chất gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp.

 

Xương rồng kiểng (Euphorbia trigona), nhựa cây có thể gây bỏng da và mắt nếu tiếp xúc, gây tê cứng lưỡi và miệng, nôn mửa nếu ăn phải.

 

Thủy tiên (Narcissus spp), củ có chất gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy toàn thân, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong khi ăn phải.

 

Một số loại trầu (trầu bà, trầu ông, tên khoa học là Philodendron spp), lá và thân có chất độc gây tiêu chảy, buồn nôn, bỏng rát niêm mạc miệng khi ăn phải.

 

Tulip (Tulipa spp), củ có chất gây chóng mặt, buồn nôn, nếu ăn phải.

 

Lục bình/bèo tây (Eichhornia crassipes), tất cả các bộ phận đều có độc gây chứng ăn không tiêu, ói mửa trên chó, mèo và một số vật nuôi khác khi ăn phải.

 

Huệ Lili (Hippeastrum puniceum), củ, nhựa cây có chất độc gây tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa khi ăn phải, gây bỏng rát, ngứa nếu tiếp xúc với da.

 

Ngô đồng (Jatropha podagrica), toàn thân cây, đặc biệt là củ và hạt có chứa chất độc gây chóng mặt và buồn nôn nếu ăn phải.

 

Vạn niên thanh/cây trường sinh (Dieffenbachia cultivar), tất cả các bộ phận đều có độc. Nhựa mủ của lá và thânn cây gây ngứa nếu tiếp xúc với lượng nhiều. Vạn  Niên Thanh là loại cây cảnh dễ trồng, có hình dáng đẹp nên được trồng phổ biến nhiều nơi trong nước ta.

 

Đối với những hoa, cây cảnh lạ hoặc có độc tố, không nên dùng tay để ngắt lá, bẻ cành hoặc ngắt hoa để tránh nhiễm độc, dị ứng, mẩn ngứa do nhựa cây dính vào da. Tuyệt đối không nhai, ăn hoa, lá, quả nếu như chưa biết cây đó có độc hay không. Ở công viên cây xanh cũng trồng rất nhiều cây cảnh đẹp. Cần lưu ý những cây có hoa màu sặc sỡ, mùi thơm nồng nặc, đẹp mắt thường là những cây có độc tố.

Ở Mỹ trong số 30.000 loài thực vật người ta phát hiện tới 700 các loài cây, hoa có độc chất. Ở Việt Nam, theo tiến sĩ sinh học Bùi Văn Lệ - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, có trên 20 loài hoa, cây cảnh chứa các độc chất.

Quốc Trung