Còn Huân chương Cành cọ được trao và tuyên dương, nói như Đại sứ Pháp, là do “Giáo sư là nhà nghiên cứu về tính nhân văn, luôn quan tâm với sự an lành của những người xung quanh. Chính nhờ vào thành quả nghiên cứu của ông mà hiện nay những chiếc “xe gắn máy sạch” đầu tiên chạy bằng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đang được chạy thử nghiệm tại Đà Nẵng. Việc sử dụng hệ thống này trên xe gắn máy sẽ cho phép giảm đáng kể mức độ phát thải ô nhiễm”.
Bấy giờ, dự án xe máy chạy bằng gas, như GS Ga tâm sự: “Đang được triển khai đại trà ở Đà Nẵng. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đang muốn chuyển giao công nghệ này như TP.HCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Khánh Hòa… Ngoài nước thì có Italia, Philippines, Ấn Độ… và đang chuẩn bị xuất khẩu sang Campuchia”.
Nhưng, ở đây vẫn phải viết một chữ nhưng. Giữa lý thuyết và thực tế là một khoảng cách nhiều khi không đo đếm được. Dự án xe chạy bằng LPG giờ chỉ còn là dĩ vãng. Và không chỉ người Đà Nẵng, như GS Ga tâm sự, “bảo tôi hâm, thậm chí có người còn tưởng ông giáo sư này nghèo quá, phải tranh thủ... bán hột vịt lộn để kiếm thêm thu nhập! Có người không dám đến gần vì sợ xe... phát nổ”.
Còn tính nhân văn? Bảy năm sau đó, khi đã được thăng chức Thứ trưởng Bộ GDĐT, GS Ga cho ra đời một văn bản quy phạm ưu tiên “Cộng 2 điểm khi thi đại học với đối tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cán bộ hoạt động trước năm 1945”. Thật khó có thể coi là nhân văn với một quy định không thực tế, thiếu tính khả thi, như một trò đùa, thậm chí, xúc phạm đến các đối tượng được cả xã hội trân trọng.
Khi bị la ó “tính nhân văn” trong thông tư cộng điểm, GS Ga có lần giải thích: “Việc ra văn bản là nhằm hướng tới tương lai lâu dài. Nghị định không quy định rõ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bao nhiêu tuổi mà chỉ nêu điều kiện được hưởng vì biết đâu có đối tượng thế thì mình xử thế nào”.
Nhưng hóa ra, “tương lai lâu dài” đó, chỉ vừa chẵn 12 ngày, khi cũng vẫn là GS Ga đã phải ban hành một thông tư khác rút lại “sự nhân văn”, sự ưu tiên hài hước cộng điểm cho các mẹ.
Việc chính Thứ trưởng Bùi Văn Ga đặt bút ký văn bản sửa sai cho thấy, dẫu sao, ông cũng như Bộ GDĐT biết lắng nghe tiếng nói của dư luận, dù, nói như ĐBQH - sử gia Dương Trung Quốc: “Tôi thấy có gì đó không ổn ở Bộ GDĐT, thậm chí phải để cho xã hội phê phán mới chịu thay đổi”.
Cái gì đó không ổn?- phải chăng vẫn là sự thiếu thực tế, căn bệnh kinh niên của nền hành chính?!