Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Làng Chăm và văn hóa làng Tin ảnh

(14:46:29 PM 19/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Cộng đồng Chăm sống trong các làng (palei), mỗi làng có vài họ (gơp), mỗi gơp có một kut (nghĩa trang tộc họ mẹ bên Chăm Bà-la-môn) hay ghur (Chăm Bàni).

1. Vị trí tốt nhất của làng Chăm là cổng hướng về Nam, phía núi. Tục ngữ: Cơk mưraung, kraung birak - Núi hướng Nam, sông hướng Bắc. Nhưng khác với làng người Kinh mà ngõ chẹt nhỏ hẹp với nhà san sát nhau, đường, chẹt trong palei Chăm khá thoáng. Nhà cửa được bố trí theo liên gia trong dòng họ (gơp); dòng họ này lại chia ra thành chi họ (ciet prauk). Dĩ nhiên trong quá trình chung sống, đôi khi xuất hiện vài gia đình khác dòng họ đột xuất xen vào. Các liên gia được bố trí theo từng dãy nằm song song cách nhau bằng lối rộng và thẳng đủ cho xe bò có thể tránh nhau. Lối này đi sang lối khác bằng các chẹt; chẹt này thì nhỏ hơn.

 

 

 

Nhà ở của người Chăm. Ảnh minh họa

Nhà Chăm luôn được bao bọc bởi hàng rào, xưa là cây củi hay tre, nay bằng tường thành. Cổng vào nhà hướng về Nam. Đi theo lối chính rẽ vào chẹt, chưa bắt gặp cổng ngay mà phải ngoặt thêm 3 -4 bước nữa mới tới cổng. Đến lúc này vị khách mới thật sự bước vào cổng nhà.

 2. Khuôn viên nhà Chăm có thể có một hay vài gia đình chung sống. Tạm lấy một gia đình ăn nên làm ra làm mẫu. Nhà (Sang) Chăm có 5 căn, tùy công dụng của nó, được bố trí khác nhau. Sang Yơ, là ngôi nhà được dựng đầu tiên, hướng Đông tây, vừa để ở vừa dùng cho phong tục tập quán mang tính gia đình. Sang Mưyuw dựng song song với Sang Yơ, cửa lớn mở ra hướng Nam, thông với Sang Yơ. Sang Twai hay Sang Halơm dùng để tiếp khách và dành cho khách lưu trú. Sang Gan (nhà ngang), cửa mở hướng Đông nối với đầu hồi Sang Yơ.  Sang Ging (nhà bếp) nằm biệt lập và cách quãng hẳn các nhà kia, có khi nằm khuất sau Sang Gan.

Ngoài ra người Chăm còn dựng thêm một gian trống và thoáng ở chỗ thuận tiện trong khuôn viên nhà, dùng làm bên dưới là cối xay lúa, phía trên là giàn để cất nông ngư cụ và các dụng cụ khác. Nếu khuôn viên nhà rộng rãi, người Chăm có thể bố trí một vài giàn mướp, bầu. Quan sát khuôn viên nhà người Chăm, khách thường lấy làm lạ là hiếm khi thấy bóng cây, nhất là cây to cao, dù đây là xứ nắng nóng và ít mưa nhất nước. Thường thì do ngại giông bão miền Trung, nhưng không ít người Chăm sợ ma trú; do đó khi gia đình có người ốm, bà con hay chặt bỏ cây.

3. Vậy, khách vào nhà Chăm có kiêng kị gì không? - Chắc chắn là có. Dân tộc nào chả thế! Người chết ở ngoài làng thì thi thể không được đưa vào làng, là điều đầu tiên phải biết đến. Thế, nhỡ người Kinh sống cộng cư thì sao? Họ vẫn được phép mang vào, với điều kiện sau đó làm lễ tẩy uế làng. Rủi ro con đỏ (nhjrwah) đâu lạc vào làng thì làng cũng phải làm lễ rửa làng. Riêng với người Chăm Bàni kiêng thịt heo, việc thả “heo vào trong vòng rào” cũng là điều tối kị, nói chi mang thịt heo vào nhà.

Người Chăm nghèo thế, nhưng mang của cải cho người chết phải là “hàng thật” chứ không được đem hàng mã (dù là để đốt đi). Họ tin sinh hoạt ở cõi âm cũng hệt như cõi dương vậy. Người Chăm tin có quỷ ma. Là ma, khi bạn chết “không lành”, và nhất là khi chưa làm đám thiêu. Để tránh tà ma, bà con Chăm còn có lệ dùng nồi gốm trét vôi trắng treo hai bên cổng vào nhà. Trong tháng nằm lửa kiêng kị, người ta treo nhánh xương rồng ở hai bên cổng vào nhà để làm hiệu nhà có người sinh. Ngoài ra người Chăm còn cho đốt lửa giữa sân, vừa sáng tránh ma tà vừa giữ “vệ sinh”.

Đó là mấy sự “lớn”, ngay việc nhỏ như “trải chiếu”, người Chăm cũng có “văn hóa”. Bạn trải chiếu sai hướng, đố có quý ông Chăm nào dám ngồi. Phải là hướng Đông - Tây chứ không ngược lại, bởi hướng Bắc - Nam là hướng nằm của người chết. 

Vỡ lòng bấy nhiêu cũng tạm đủ, bạn vào làng Chăm, nhà Chăm mà không vấn đề gì cả. Twai tamư paga yuw ba mưda tamư sang: Khách bước vào nhà như mang giàu sang đến cho mình. Tại sao bạn còn ngần ngại?

(Theo Bình Thuận Online)