(Tin Môi Trường) - Theo các chuyên gia, mài quần bò bằng công nghệ phun cát chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới những công nhân đứng máy mài, người tiêu dùng ít có nguy cơ hít phải silic gây bệnh phổi vì trước khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất đã làm sạch bụi silic trên quần bò.
Quần áo càng giặt nhiều, càng giảm độc tố. Ảnh: P.T
Thông tin mặc quần bò mài Trung Quốc có thể bị mắc bệnh phổi nan y trong những ngày gần đây khiến nhiều người lo sợ. Theo các chuyên gia, mài quần bò bằng công nghệ phun cát chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới những công nhân đứng máy mài, người tiêu dùng ít có nguy cơ hít phải silic gây bệnh phổi vì trước khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất đã làm sạch bụi silic trên quần bò.
Hoang mang vì mặc quần bò mài mắc bệnh nan y
Mới đây, báo chí đăng tải thông tin một số loại quần bò mài của Trung Quốc dễ mang bệnh cho người mặc. Theo nguồn tin này, tại Trung Quốc, nhiều nhà máy vẫn sử dụng công nghệ phun cát để mài mòn quần áo bò. Đây là công nghệ đã bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới do người sử dụng quá nhiều đồ bò loại này dễ mắc căn bệnh phổi nan y mang tên silicosis với nguyên nhân là hít phải silic - một khoáng chất có trong cát.
Trước thông tin này, người tiêu dùng rất hoang mang bởi tính tiện dụng của sản phẩm. Bạn Nguyễn Thị Phượng (SV Trường Trung cấp Y Hà Nội) bày tỏ: “Mặc quần bò vừa tiện dụng, trẻ trung, năng động nên sinh viên bọn em rất thích dùng. Giờ nghe thông tin mặc quần bò dễ mắc bệnh phổi, em thực sự lo lắng vì em toàn mua hàng chợ giá rẻ. Trước đó, khi nhiều mẫu quần bò bình dân tối màu từng được cảnh báo về hóa chất nhuộm vải có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, lại dễ bị phai màu nên em đã chuyển sang mặc loại quần bò bụi, bò mài sáng màu. Chẳng nhẽ giờ lại chuyển sang quần vải…”.
Thậm chí, dù chưa có thông tin chính xác nhưng nhiều người lo lắng ảnh hưởng tới sức khỏe đã bỏ không mặc hoặc chuyển sang nhãn hàng khác. Chị Hồng Thơm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện tại mình đã ngừng hoàn toàn việc sử dụng những chiếc quần bò Trung Quốc. Không đủ tiền mua hàng hiệu đắt tiền, mình chuyển sang dùng hàng Made in Việt Nam. Dù vậy cũng không an tâm lắm vì hàng Trung Quốc cũng có thể trà trộn vào hàng Việt. Mình đang lo ngay ngáy mấy ngày nay, hy vọng sẽ có kết luận khuyến cáo sớm và không có gì nghiêm trọng”.
Các chuyên gia khuyến cáo, quần áo, vải vóc nhiễm chất gây ung thư sẽ gây nguy hại khi còn mới, nhưng nếu đã được giặt nhiều lần sẽ giảm độc tố. Để đề phòng bệnh tật lây nhiễm, người tiêu dùng nên giặt quần áo thật kỹ và phơi nắng trước khi mặc. Tránh mua loại quần áo không rõ nguồn gốc, nhãn mác hay có mùi khó ngửi. Với quần áo nhuộm, nên giặt cho đến khi nào hết ra màu mới sử dụng.
Tại Hà Nội, các loại quần áo bò xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ, đẹp, mẫu mã thì giống hàng hiệu có thể bắt gặp dễ dàng từ các khu chợ, những quầy hàng ngoài lề đường… Tại khắp các tuyến phố như: Nguyễn Lương Bằng, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi hay các chợ như: Ngã Tư Sở, chợ Xanh, Phùng Khoang cũng có nhiều gian hàng san sát chuyên bán đồ bò. Giá các loại quần áo bò trung bình từ 200.000 - 350.000 đồng/sản phẩm nên rất nhiều người lựa chọn. Đa phần các mẫu quần bò bình dân bán tại cửa hàng đều gắn mác của các hãng nổi tiếng như: Bebe, Mango, D&G với nhiều màu sắc và kiểu dáng. Trong đó, rất nhiều kiểu quần mài kiểu dáng thời trang, cá tính. Theo nhiều chủ hàng, phần lớn hàng quần bò ở thị trường là của Trung Quốc nên mới có giá rẻ như vậy.
Chỉ số nguy cơ rất thấp
PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, không chỉ để mài quần bò, công nghệ phun cát trước đây vẫn dùng làm hoa văn trên gương kính. Công nghệ phun cát có giá thành rẻ nhất, còn mài công nghiệp bằng đá mài sẽ rất tốn công, lâu nhưng công nghệ này đã bị nhiều nước cấm. Việc những cơ sở vẫn sử dụng công nghệ này rất có hại cho những công nhân đứng máy mài quần bò. Còn người tiêu dùng có thể an tâm không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi khi quần đã làm thành phẩm thì người sử dụng sẽ không có nguy cơ hít phải silic nữa do nhà sản xuất đã làm sạch không còn bụi silic trên quần trước khi đưa ra thị trường. Nếu có thì cũng không nhiều đến mức mắc bệnh bụi phổi.
PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết thêm, ngay những công nhân quét đường, ngành than, khai thác đá, cát, mỏ quặng… thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi đều có nguy cơ nhiễm bụi silic. Những người thường xuyên tiếp xúc với bụi silic này thì có nguy cơ ung thư phổi hoặc tràn dịch màng phổi rất cao. Phổi sẽ tự đào thải bụi nếu chúng ta làm việc đúng giờ, bồi dưỡng đầy đủ. Nhưng nếu làm việc liên tục, thường xuyên, bụi sẽ tích lũy trong phổi không kịp đào thảo mới sinh ra bệnh. Bụi rất nhỏ nên có thể vào rất sâu trong phổi dễ tạo ra những mụn nhỏ trong phế nang, sau đó biến chứng tạo ra các khối u trong nang phổi. Đây là tiền thân của những khối u ác tính. Triệu chứng đầu tiên là ho, khó thở kéo dài do phổi đào thải không kịp gây kích thích đường hô hấp trên.
BS Lê Quang Lộc – nguyên Trưởng khoa Da liễu, BV Xanh Pôn cho rằng, người dân không nên hoang mang trước thông tin mặc quần bò Trung Quốc dễ mắc bệnh nan y. Việc loại bỏ quần áo đã mặc có xuất xứ từ Trung Quốc vì e sợ chất gây bệnh bụi phổi cũng không cần thiết và lãng phí. Bởi chỉ người thường xuyên tiếp xúc bắt buộc với bụi có nồng độ, số lượng, kích thước hạt, hàm lượng silic tự do vượt quá giới hạn cho phép mới nguy hại. Đáng lo ngại hơn là nhà sản xuất quần bò nhuộm thuốc hoặc hóa chất độc hại… Khi mặc, người tiêu dùng sẽ gặp những vấn đề sức khỏe, nhất là khi tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm rất dễ gây kích ứng da, viêm nhiễm. Thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ung thư, vô sinh, ảnh hưởng đến trí tuệ.