Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trên hòn đảo Pinta thuộc quần đảo Galapagos - vườn quốc gia nổi tiếng nhất thế giới thuộc lãnh thổ Ecuador – có một “nhân vật” đặc biệt mà không ai không biết đến. Đó là một cá thể rùa, được đặt tên là George, thuộc một dòng họ rùa đã tuyệt chủng, mà chỉ còn “cụ” là hậu duệ duy nhất (gọi là cụ vì George đã gần 100 tuổi). Sách Kỷ lục Guinness xếp cụ là loại quý hiếm nhất thế giới (!).
Cụ rùa “George cô đơn”. Ảnh Metro.
Cụ George thuộc dòng họ rùa biển khổng lồ (còn gọi là rùa voi, rùa tượng vì sự to lớn của mình), có tên khoa học là Geochellone Elephantopus abingdoni, mà lịch sử thật bi thảm. Tổ tiên cụ bị những người săn cá voi, hải cẩu, những thuỷ thủ trên tàu buôn và cả hải tặc nữa săn bắt hàng vạn con đến tuyệt chủng để làm thực phẩm dự trữ cho những chuyến đi dài ngày trên biển vì thịt rùa loại này rất ngon.
Thêm nữa, khi người ta đưa đến đây những gia súc chăn thả, đặc biệt là dê, thì nguồn thức ăn cho loài rùa này bị tước đoạt. Năm 1906, một đoàn các nhà khoa học Mỹ sau nhiều tháng trời tìm kiếm mới thấy được ba chú rùa cuối cùng của dòng họ này và mang đi mất.
Đã tưởng không còn chút hy vọng còn một truyền nhân nào thì năm 1971, người ta bất ngờ tìm thêm một chú sống vất vưởng trong núi. Đưa tin trên Đài truyền hình Mỹ, diễn viên George Goebel đùa bỡn gọi chú là “chàng George cô đơn” và từ đó thành tên chính thức của chú.
Kiếm vợ cho “George cô đơn” để duy trì nòi giống
George cô đơn được đưa về sống trong Trung tâm Nghiên cứu Charles Darwin tại Puerto Ayora, một địa điểm du lịch trên đảo Santa Cruz. Để giữ lại nguồn gen giống của dòng họ này, đã rất nhiều lần Trung tâm cho George đi phối giống. Lần đầu người ta thả hai nàng rùa đưa từ đảo Isabela lân cận, mà xét về hình thái học rất giống George, về sống chung trong mấy năm trời. Tuy rất hiếm hoi, họ cũng từng “yêu” nhau đôi lần nhưng không thể sinh con. Chắc về dòng giống họ quá xa nhau.
Nhà khoa học Edwards Lewis đã chụp quét ADN của George gửi đến các nơi nghiên cứu rùa trên toàn thế giới nhằm đề nghị các nhà khoa học tìm giúp loài rùa nào có “lý lịch ADN” tương tự như vậy để tác thành cho George.
Nỗ lực cứu loài rùa Galapagos này quả là biểu tượng nổi bật cho việc hợp tác quốc tế để cứu một loài sinh vật sắp tuyệt chủng hoàn toàn. Nhiều Hội nghị mang tính quốc tế bàn thảo về cụ rùa này, lai lịch cụ, họ hàng cụ mà bằng cách này làm cụ khỏi tuyệt tự.
Hàng nghìn trang sách nói đến cụ cộng với nhiều bộ phim khoa học. Dễ thường cuộc tìm vợ cho cụ cũng dựng được thành một câu chuyện có thể đọc say mê cũng nên.
Các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm bạn tình cho cụ rùa “George cô đơn”. Ảnh Reuters.
Biết bao nhiêu nơi gửi đơn đến ứng cử làm người tình của cụ George, nhưng hầu như chẳng lá đơn nào được chấp nhận. Rất nhiều quan điểm đưa ra trong khi vẫn muốn đợi một nàng rùa nào đó thuần chủng hơn cho chắc ăn.
George được cho cặp đôi với hai con rùa cái khác của phân loài Geochelone nigra becki có nguồn gốc từ đảo Wolf với hy vọng rằng kiểu di truyền của George sẽ được bảo tồn qua quá trình sinh sản.
Hai cô vợ này có thể coi là gần gũi nhất về mặt gen với George. Tuy nhiên, bất cứ con cháu nào của George và các “bà vợ” ấy cũng chỉ là dạng quá độ chứ không phải là một cá thể thuần chủng của loài rùa trên đảo Pinta.
Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu Darwin vẫn treo giải trị giá 10.000 đô la Mỹ cho ai tìm được một con rùa cái phù hợp với George.
Ngày 21/7/2008 có tin George đã bất ngờ “lên giường” với một trong hai “bà vợ” sau đó thu được 13 quả trứng và chúng lập tức được đưa vào lò ấp. Tới ngày 11/11/2008 thì Trung tâm Darwin xác nhận rằng 80% số trứng có vấn đề và tới tháng 12 thì số trứng còn lại cũng không thể ấp nở. Kiểm tra bằng tia X cho thấy rằng các trứng đều đã hỏng.
Ngày 21/7/2009, đúng một năm sau sự kiện năm 2008, Vườn quốc gia Galapagos lại mừng rỡ cho hay “bà vợ” thứ hai sống cùng George đã đẻ thêm được 5 quả trứng mới. Lứa trứng này cũng lập tức được đưa vào phòng ấp với hy vọng rằng đây là những quả trứng đã được thụ tinh thực sự.
Thế nhưng, lại một lần nữa, các nhà khoa học lại phải chán ngán lắc đầu. Nhiều người cho rằng cụ George bị … vô sinh và nếu vậy, mọi cố gắng giúp cụ làm cha là vô vọng. 20 năm cố gắng của rất nhiều nhà khoa học đã trở thành vô ích sao?
Nhưng còn nước còn tát …Đầu năm nay, ngày 25/1/2011, trong một bản thông cáo của mình, Vườn quốc gia Galapagos cho biết, hai vị “hoàng hậu” trước không giúp được cụ sinh ra kẻ nối dõi đã bị phế truất. Lần này, họ lại kén được cho cụ hai nàng rùa mới rất xứng đôi với cụ. Những hy vọng mới lại được nhen nhóm trong sự chờ đợi của nhiều người.
Các chi tiết chưa được tiết lộ gì thêm, chỉ biết lần này người mai mối là các nhà khoa học ĐH Yale (Mỹ). Theo họ, các nghiên cứu về di truyền học cho thấy chi của hai cô vợ mới gần gũi với chi của cụ hơn, nghĩa là sự phối giống có khả năng thành công cao hơn so với hai bà vợ trước.
“Đám cưới” được tổ chức vào ngày 25/1 vừa rồi tại đảo Santa Cruz. Vẫn chưa có gì là chắc chắn, liệu cụ có chịu “yêu” hai bà vợ này hay không, hay lại càng dửng dưng hơn như tính vốn có của cụ.
Nếu cứ thất bại mãi, các nhà khoa học phải tìm cách khác như thụ tinh nhân tạo hay nhân bản vô tính chẳng hạn.
Song nếu thụ tinh trong ống nghiệm, làm thế nào để xin được cụ ít tinh trùng? Dùng một thứ thuốc kích dục tương tự Viagra? Gây sốc điện? Chưa biết, vì người ta chưa muốn liều.
Nếu nhân bản vô tính, phải có thời gian. Nhân bản loài bò sát cũng chưa ai làm và nếu chỉ dùng cho mỗi một mình cụ thôi thì tốn kém quá. Thôi, hãy chờ đợi, hạ hồi phân giải. Việc phải làm là bảo quản tốt các tế bào của cụ để đến lúc nào đó có khả năng …
Trông người lại nghĩ đến ta
Nhân chuyện cụ rùa George, lại nghĩ thấy tủi cho cụ rùa mai mềm Hồ Gươm nhà mình. Cụ thiêng liêng là thế nhưng sự chú ý phải nói là chưa đúng mức. Lý lịch của cụ vẫn đang được tranh cãi. Trong khi PGS Hà Đình Đức bảo cụ là loài rùa mới và đặt tên khoa học là Rafetus leloii thì nhiều người vẫn cho cụ chỉ là quần chủng xa của loài rùa bùn Thượng hải Rafetus swinhoei.
Ông bảo rùa Hồ Gươm là cá thể duy nhất còn lại của loài này thì nhiều người quả quyết cụ vẫn còn anh em ở Đồng Mô và có thể ở cả nơi khác chưa tìm thấy. Sao không thử ADN để kết luận cuộc tranh cãi?
2 vết thương mới nhất của cụ rùa Hồ Gươm được phát hiện ngày 30/12/2010. Ảnh VNE.
Điều đơn giản hơn là chúng ta vẫn chưa biết cụ là cụ ông hay cụ bà (để giả sử tìm đối tượng cho cụ để duy trì kẻ nối dõi, chẳng lẽ chưa rõ cụ là đực hay cái sao !), chưa biết cụ bao nhiểu tuổi (có còn tuổi sinh đẻ nữa không nều tìm cho cụ một bạn tình ưng ý,…).
Khi phóng viên báo VietNamNet nói chuyện với chuyên gia về rùa trong Dự án bảo vệ rùa ở Việt Nam thuộc tổ chức Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) là Commack, vừa hỏi một câu ngớ ngẩn: "Hay là cụ rùa này do vua Lê Thái Tổ (vì nghĩ tên cụ có chữ leloii mà!) thả?", thì ông ta cười ngất: “Con rùa sống 600 năm thì sẽ là một chuyện chấn động toàn thế giới đấy!”.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn nữa là tính mạng cụ đang bị đe doạ. Nguồn nước Hồ Gươm bị ô nhiễm nặng. Những người câu cá trộm làm cụ nhiều lần bị thương bởi vướng dây câu. Người ta phóng sinh rùa tai đỏ xuống Hồ, khiến chúng tranh giành thức ăn của cụ. Hiện chẳng có ai chịu trách nhiệm về sức khoẻ của cụ.
Theo tin ngày 15/1/2011, đã có đề xuất đưa cụ lên bờ để chữa trị do thời gian qua có dấu hiệu cho thấy sức khoẻ của cụ Rùa đã suy giảm, liên tục phải nổi lên mặt nước cũng như xuất hiện các vết thương ở cổ và lưng.
Chắc chắn đưa cụ lên (bằng cách nào đây?) sẽ trả lời được nhiều câu hỏi về cụ nhưng cũng là việc có nhiều rủi ra, mà các nhà khoa học phải cân nhắc rất nhiều.