Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
* Xin ông cho biết quy mô của DA NCĐKĐ đang được triển khai tại tỉnh ta?
- DA NCĐKĐ đã được các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt DA
với tổng vốn đầu tư 304 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 238 tỉ đồng để nâng cấp hệ thống đê Khu Đông, trồng rừng ngập mặn, quản lý DA và tư vấn xây dựng. Vốn đối ứng của UBND tỉnh, huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn là 66 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, chi phí khác và dự phòng. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư thực hiện DA.
DA có 2 hợp phần chính, gồm củng cố, nâng cấp đê và công trình trên đê, trồng rừng ngập mặn. Theo đó, sẽ tiến hành củng cố, nâng cấp đê và công trình trên hệ thống đê Khu Đông dài khoảng 24,6 km từ khu vực phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đến xã Phước Hòa (Tuy Phước), góp phần chống lũ, ngăn triều cường và nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Đồng thời, kết hợp trồng mới, chăm sóc và bảo vệ khoảng 302 ha rừng ngập mặn tại các khu vực cửa sông Hà Thanh, sông Côn và ven chân đê trên đầm Thị Nại.
Một đoạn đê Khu Đông thuộc phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) được bê tông kiên cố kết hợp làm đường giao thông. Ảnh: N. HÂN
Thời gian thực hiện DA kéo dài trong 3 năm (2013- 2015) được phân kỳ đầu tư: Năm 2013 nâng cấp khoảng 3,5 km đê trên địa bàn phường Nhơn Bình và 4,5 km đê trên địa bàn xã Phước Thuận; trồng mới và chăm sóc 36,3 ha rừng ngập mặn với kinh phí thực hiện 81,8 tỉ đồng. Năm 2014 nâng cấp 4,3 km đê ở phường Nhơn Bình,
3,7 km đê ở xã Phước Thuận, 1,5 km đê ở xã Phước Sơn; trồng mới và chăm sóc 66,7 ha rừng ngập mặn tập trung và 35 ha rừng ngập mặn phân tán, kinh phí thực hiện 111,5 tỉ đồng. Năm 2015, nâng cấp khoảng 3,1 km đê ở xã Phước Sơn, 4,2 km đê ở xã Phước Hòa, trồng mới và chăm sóc 67 ha rừng ngập mặn tập trung.
Hệ thống đê Khu Đông được nâng cấp theo hiện trạng tuyến đê cũ, nhưng có một số điều chỉnh tuyến cục bộ. Mặt cắt đê được gia cố bê tông 3 mặt (hai mặt bằng bê tông tấm lát, mặt đê kết hợp đường giao thông), chiều rộng mặt đê 5 m; riêng đoạn từ kho muối đến chợ Góc (phường Nhơn Bình) dài 3,4 km có chiều rộng mặt đê 6,5 m. Chân đê được bảo vệ bằng lăng thể đá hộc, bê tông… Giữ nguyên số lượng tràn xả lũ trên đê và cao trình ngưỡng tràn, gia cố sửa chữa và thay thế các cửa van đảm bảo vận hành an toàn. Xây dựng mới 6 cống xả lũ, sửa chữa nâng cấp 31 cống cũ đảm bảo an toàn khi xả lũ, ngăn mặn, giữ ngọt và an toàn cho giao thông; đồng thời thay thế các cửa cống bằng vật liệu thép không gỉ, đóng mở bằng thiết bị cơ khí
* Sau khi hoàn thành, DA NCĐKĐ sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân địa phương?
- Theo Quyết định của Chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt mục tiêu thực hiện DA là nhằm tiêu úng, thoát lũ cho 30.542 ha lúa; ngăn mặn, giữ ngọt cho 9.097 ha đất sản xuất, trong đó có 5.400 ha đất sản xuất nông nghiệp và 1.247 ha đất nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn cho 147.342 người dân sống ven đê Khu Đông của 6 xã phường, gồm thị trấn Tuy Phước, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước); Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn). Đồng thời, trồng và phục hồi trên 300 ha rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại dọc tuyến đê Khu Đông, phục hồi cải tạo môi trường thủy sinh.
Bên cạnh đó, đơn vị chức năng sẽ tổ chức tập huấn về quản lý, kiểm tra và bảo dưỡng công trình, bảo vệ môi trường; tuyên truyền và phổ biến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vai trò của cộng đồng trong việc hạn chế phát thải khí nhà kính; đào tạo các kiến thức về trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn cho các nhóm cộng đồng vùng DA…
* Hiện nay, DA đã được triển khai thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Qua thời gian chuẩn bị các bước khởi động DA, đến nay, Sở NN-PTNT đã hoàn thành việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình, bán hồ sơ mời thầu cho các đơn vị thi công và dự kiến sẽ mở thầu vào ngày 29.7 tới. Bên cạnh đó, để việc triển khai DA NCĐKĐ được thuận lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước tiến hành các phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng ở các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận cùng phường Nhơn Bình. Tiến hành rà phá bom mìn, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện DA. Dự kiến đến cuối tháng 8 năm nay, Sở NN-PTNT sẽ triển khai thi công DA, trước mắt xây dựng 2 đoạn đê thuộc địa bàn phường Nhơn Bình và xã Phước Thuận; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các phần việc tiếp theo của DA...
Về nguồn vốn đầu tư, trong năm nay, Trung ương đã bố trí 45 tỉ đồng để thực hiện DA; UBND tỉnh và các địa phương trong vùng DA cũng đã bố trí đủ nguồn vốn đối ứng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhằm triển khai DA đúng tiến độ đề ra.
* Cảm ơn ông!