Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đường sá đua nhau sụt lún Tin ảnh

(09:11:49 AM 16/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Nguyên nhân được các ngành chức năng đổ lỗi cho thời tiết, xe quá tải và vật liệu xây dựng kém

Tại buổi tọa đàm Giải pháp chống lún mặt đường và đường đầu cầu chiều 15-7, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đưa ra thông tin đáng lo ngại: Việc trồi, lún theo vệt bánh xe là tình trạng mới, xảy ra trên nhiều đường vừa được đưa vào khai thác lẫn những tuyến đã hoàn tất cả chục năm.

 

Lún đường từ Bắc tới Nam

 

Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), khẳng định việc lún vệt bánh xe trên các tuyến đường xuất hiện từ năm 2009. Đến khoảng tháng 5-6 vừa qua, sau đợt nắng nóng kéo dài ở miền Trung, tình trạng này xuất hiện nhiều hơn.

 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra trên Quốc lộ 1 và một số tuyến đường khác. Kết quả: Đoạn Thanh Hóa - Huế có 70/620 km bị lún theo vệt bánh xe; đoạn Đà Nẵng - Khánh Hòa có 90/953 km bị lún. Trên một số tuyến đường đèo thì vết hằn lún cao tới 10 - 15 cm. Ông Dũng cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phân tích và làm các thí nghiệm nhằm sớm tìm ra giải pháp xử lý.

 


Mặt đường bị trồi, lún vệt bánh xe xảy ra trên khắp các tuyến đường từ Bắc tới Nam.
(Ảnh chụp lại tại buổi tọa đàm ở Hà Nội chiều 15-7)
 

Về nguyên nhân, theo ông Đỗ Công Khái, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 703, không phải do chất lượng thi công. “Khả năng nhựa 60 - 70 không còn phù hợp với các công trình giao thông hiện hành. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét sử dụng nhựa đầu cầu bằng vật liệu polime” - ông Khái đề nghị.

 

Chưa thể chỉ rõ nguyên nhân

 

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có khoảng 13% - 15% hiện tượng hằn lún mặt đường theo vệt bánh xe trên Quốc lộ 1 là những đoạn đã xây dựng được 10 năm, khi xuất hiện lún thì đã đưa vào khai thác được 6 năm. Thời điểm lún nhiều nhất là những ngày nắng nóng dữ dội.
 
 
“Tôi cho rằng một phần là do ảnh hưởng của thời tiết và xe quá tải. Với các đoạn đang xây dựng, trong thời gian bảo hành mà xuất hiện lún, ngoài nguyên nhân trên còn có thể do điều kiện địa hình và khí hậu” - ông Dũng giải thích.
 
 
Về ý kiến cho rằng do nguyên vật liệu không phù hợp, ông Dũng thừa nhận: “Trước đây, khi nhập nhựa, Bộ GTVT phối hợp với hải quan kiểm tra rất kỹ. Hiện tại, công việc này rất khó khăn, bộ chỉ biết tin vào chứng chỉ mà nhà cung cấp nhựa mang về”.
 
 
Ông Dũng đề nghị trong thời gian tới sẽ có các cơ quan giám sát của các bộ, ngành liên quan nhằm kiểm soát chặt chẽ đầu vào, bảo đảm nhựa nhập về đúng chỉ tiêu kỹ thuật.
 

Theo ông Dũng, đến thời điểm này, chưa thể chỉ rõ cụ thể nguyên nhân gây sụt, lún mặt đường nhưng đã phát hiện một số vị trí đường có độ chặt khi lu lèn chưa đạt yêu cầu.

 

Còn theo ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT), với tình trạng xe quá tải như hiện nay thì việc giữ ổn định cho kết cấu đường là rất khó khăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1 xe quá tải 2,5 lần gây áp lực xuống mặt đường tương đương 700 xe tải trọng bình thường.

 

Theo TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, xe quá tải là tác nhân trực tiếp, còn nhiệt độ là nhân tố hỗ trợ để hình thành hiện tượng hằn lún theo vệt bánh xe. “Đó là nguyên nhân khách quan, còn về chủ quan thì có thể liên quan đến vật liệu, công nghệ thi công... Bộ GTVT cần có những nghiên cứu và cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật” - ông Long đề xuất.

 

Truy trách nhiệm nhà thầu

Ông Lê Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, cho biết trước mắt, bộ đã yêu cầu các ban quản lý dự án chỉ đạo sửa chữa ngay các đoạn trồi, lún bằng chính kinh phí của nhà thầu, bảo đảm mặt đường êm thuận. Sau đó, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án sẽ được xem xét, làm rõ.

(Theo Người Lao Động)