Trước tình hình các doanh nghiệp (DN) xăng dầu kêu lỗ và đề xuất tăng giá, liên bộ Tài chính - Công Thương hiện vẫn chưa có quyết định điều hành giá xăng dầu cụ thể. Lý do là 2 bộ này phải cân nhắc nên can thiệp bằng công cụ nào trong các phương án: Giảm thuế, tăng giá hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG).
Quỹ BOG cạn kiệt
Giá dầu thô giao tháng 8 tới trên sàn giao dịch thế giới đã tăng 8,3 USD/thùng, lên mức 106,25 USD/thùng do tình hình bất ổn ở Ai Cập cũng như nhu cầu năng lượng tăng cao tại Mỹ gần đây.
Theo một DN đầu mối xăng dầu phía Nam, tính đến cuối ngày 14-7, giá xăng RON 92 đã chạm mốc 116,77 USD/thùng, DO là 121,36 USD/thùng. Giá cơ sở xăng đã lên tới gần 25.000 đồng/lít, cao hơn giá bán hiện hành 890 đồng; giá cơ sở DO đang là 22.500 đồng/lít, cao hơn giá bán hiện hành 700 đồng/lít. Tuy nhiên, DN này cho biết hiện nhà nước vẫn đang đề nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá thế giới và trước mắt, chưa có quyết định điều hành cụ thể.
Theo một tính toán khác, mức lỗ của các DN xăng dầu hiện đang ở mức 1.080 đồng/lít xăng RON 92. Nếu trừ 300 đồng sử dụng Quỹ BOG thì mức lỗ thực vẫn còn khoảng trên 700 đồng/lít xăng.
Giá xăng dầu vừa tăng 2 lần, nếu tăng tiếp sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, Quỹ BOG hiện chỉ còn khoảng 55 tỉ đồng tại thời điểm chốt số liệu ngày 30-6, giảm hơn 700 tỉ đồng so với đầu năm. Theo các DN xăng dầu, hiện Quỹ BOG vẫn còn là nhờ mức trích và xả quỹ mặt hàng xăng RON 92 được duy trì 300 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu tính đến phương án tăng xả quỹ để kìm giá xăng thì với số dư ít ỏi 55 tỉ đồng sẽ chẳng thấm vào đâu. Đó là chưa kể đến nhiều DN đang âm quỹ nên nhiều khả năng cơ quan quản lý sẽ không đồng tình phương án này.
Với mức dư quỹ như hiện nay, các chuyên gia kinh tế tính toán sẽ chỉ có thể trợ giá cho mỗi lít xăng, dầu 55 đồng trong tháng 7 này, phần lỗ còn lại phải nhờ đến các công cụ khác.
Nhà nước cần chia sẻ với DN và người tiêu dùng
Theo tính toán của các chuyên gia xăng dầu, với thuế suất nhập khẩu là 18% như hiện nay, tiền thuế nhập khẩu xăng dầu tương ứng khoảng 2.000 đồng/lít xăng, cao hơn 2 lần mức lỗ hiện nay của các DN. Như vậy, nhà nước có thể giảm một nửa thuế suất nhập khẩu hiện hành để chia sẻ với DN và người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng trong tình hình Quỹ BOG đã cạn kiệt, nền kinh tế gặp khó khăn, DN lao đao, sức mua của người dân giảm sút mà tăng giá liên tục chắc chắn sẽ gây khó khăn cho 2 đối tượng chính trong xã hội là người dân và DN. “Trong tháng 6 đã tăng giá xăng dầu 2 lần rồi, nay tăng nữa là không nên vì sẽ đẩy DN vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng” - ông Long khuyến cáo.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra cái khó là ngân sách nhà nước đang thất thu lớn, nhất là sau khi áp mức thuế thu nhập cá nhân mới từ ngày 1-7. Vì vậy, việc hạ thuế nhập khẩu xăng dầu về tối thiểu chắc chắn gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. “Nên chăng có sự phối hợp hài hòa giữa tăng giá và việc giảm thuế trong bối cảnh hiện nay, tất nhiên vẫn không nên ưu tiên tăng giá. Việc tăng giá là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng cần lưu ý xem xét, tận dụng yếu tố thuế để điều hành hợp lý” - ông Long gợi ý.