Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vụ 2 nữ công nhân bị "chôn sống": An toàn lao động bị xem thường Tin ảnh

(08:16:59 AM 15/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Liên tiếp để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết người nhưng Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng luôn tìm cách bưng bít thông tin và né tránh trách nhiệm trước sinh mạng của người lao động

 Thông tin mới nhất liên quan đến vụ tai nạn lao động khiến 2 chị Cao Thị Thảo (SN 1986) và Ngô Thị Lan (SN 1976) bị tai nạn lao động thiệt mạng tại phễu lò hơi Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng vào sáng 9-7, Huyện ủy và UBND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã yêu cầu cơ quan công an khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm.

 

 

 

 Nơi xảy ra vụ tai nạn khiến 2 nữ công nhân thiệt mạng tại Nhà máy Nhiệt Điện Hải Phòng

 

 

"Cấm cửa" cơ quan chức năng

 

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng cho rằng để xảy ra tai nạn này, trách nhiệm chính thuộc về Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hoàng Vỹ (nơi 2 nạn nhân đang làm việc và là đơn vị chịu trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng - PV). Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng chỉ có một phần trách nhiệm và đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 20 triệu đồng.

 

Chiều 13-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Văn Hải, Trưởng Phòng hành chính Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, khẳng định không có chuyện bưng bít thông tin cũng như việc "cấm cửa" cơ quan chức năng và báo chí thông tin về vụ tai nạn khiến 2 nữ lao động thiệt mạng. Ông Hải cho rằng nhà máy không thờ ơ hay đứng ngoài cuộc, khi xảy ra tai nạn, lãnh đạo nhà máy đã điều xe đưa nạn nhân đi cấp cứu. Đồng thời, nhà máy cũng đã phong tỏa hiện trường, làm báo cáo nhanh gửi cơ quan chức năng theo đúng quy định.

 

Lý giải về việc trong chiều 9-7, ông Hải và ông Trần Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (cơ quan chủ quản Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng), trả lời báo chí không có xảy ra tai nạn lao động gây chết người, ông Hải cho biết: "Do đến 19 giờ 30 phút ngày 9-7, lãnh đạo đơn vị mới nhận được thông tin 2 nạn nhân đã thiệt mạng từ Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hoàng Vỹ".

 

Tuy nhiên, anh Lại Văn Minh (SN 1972, chồng nạn nhân Lan) và các chị Lại Thị Hạnh (SN 1971), Phạm Thị Hiền (SN 1979), cùng trú thôn 6, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, lại khẳng định khi phát hiện và đưa ra khỏi phễu lò hơi, 2 nạn nhân đã tắt thở vì lực lượng cứu hộ phải mất gần 30 phút mới đưa được nạn nhân ra ngoài.

 

Không chỉ vậy, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng còn "lơ" báo cáo vụ tai nạn cho chính quyền địa phương. Thậm chí, khi xảy ra vụ việc, trạm Công an Phà Rừng và Công an xã Tam Hưng đến hiện trường để điều tra nguyên nhân thì bị bảo vệ nhà máy "cấm cửa". Trước tình thế này, chiều 9-7, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, phải điện thoại yêu cầu lãnh đạo nhà máy khẩn trương báo cáo và hợp tác với cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn nhưng bất thành. Đến chiều 10-7, lực lượng chức năng vẫn không được vào nhà máy để điều tra. Vì vậy, Công an huyện Thủy Nguyên phải có văn bản yêu cầu nhà máy hợp tác nhưng đến sáng 11-7, lực lượng công an mới có thể điều tra, khám nghiệm hiện trường. Bức xúc trước thái độ bất hợp tác này, ông Lanh đã yêu cầu Công an huyện Thủy Nguyên lập biên bản việc coi thường pháp luật của nhà máy.

 

Đã xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng

 

Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, tai nạn mới nhất khiến 2 nữ công nhân thiệt mạng không phải là vụ tai nạn lao động hy hữu xảy ra tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Trong hơn 2 năm trở lại đây, tại nhà máy này đã có hơn chục người thương vong do tai nạn lao động, trong đó có đến 6 người thiệt mạng. Nghiêm trọng nhất phải kể đến vụ nổ khí tại đây khiến 2 công nhân địa phương chết tại chỗ và 5 công nhân khác bị thương vào sáng 3-8-2010. Trong đó, chị Đỗ Thị Thủy (29 tuổi) và anh Lê Văn Minh (22) bị thiệt mạng trong tình trạng thảm thương. Trước đó, ngày 17-7-2010, tại nhà máy này cũng xảy ra một vụ nổ khiến 2 công nhân nước ngoài thiệt mạng, 2 người khác bị thương.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trần Lanh cho biết khi xảy ra tai nạn, lãnh đạo nhà máy luôn tìm cách bưng bít thông tin, thậm chí không trình báo cơ quan chức năng. Tương tự vụ 2 công nhân thiệt mạng vừa rồi, gần đây nhất, ngày 14-5, trong lúc làm việc tại nhà máy, anh Nguyễn Quang Dương (ở thôn Trung, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên) đã bị cuốn vào ống khói của nhà máy. Dù may mắn thoát chết nhưng nạn nhân phải bị cắt bỏ một phần ống chân và điều trị hơn 1 năm tại bệnh viện. Ông Lanh cho biết khi xảy ra những vụ như vậy, lãnh đạo nhà máy luôn "quên" trình báo cơ quan có thẩm quyền.

 

Điều đáng ngạc nhiên là xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhưng nhiều cá nhân có liên quan tại nhà máy này lại không bị xem xét, kiểm điểm trách nhiệm.

 Nạn nhân không được huấn luyện an toàn lao động

 

Theo quy định của ngành điện, công nhân, cán bộ làm việc tại một đơn vị sản xuất điện năng phải được đào tạo cơ bản và cấp chứng nhận. Theo đó, để được làm việc trong nhà máy điện, người lao động phải qua khóa huấn luyện an toàn lao động, sau đó, nếu đạt yêu cầu mới được cấp thẻ làm việc.

 

Trong khi đó, như Báo Người lao Động đã thông tin, theo người thân của 2 nạn nhân, chị Cao Thị Thảo và chị Ngô Thị Lan là lao động tự do, không có hợp đồng với Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hoàng Vỹ nên họ chưa từng được huấn luyện về an toàn lao động.

(Theo Người Lao Động)