Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Nội thực tế nên "dạy" học sinh phân biệt giàu nghèo? Tin ảnh

(09:05:04 AM 14/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Thay vì việc nhà trường bắt tất cả học sinh phải mặc xấu như nhau để không em nào phải tủi thân, Hà Nội thực tế chọn cách "dạy" cho học sinh nhìn thẳng vào thực tế, rằng giá trị đồng tiền là rất quan trọng.

Quy định mới của Sở GD Hà nội về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được áp dụng trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non và trung học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2,9 -3 triệu đang là đề tài được dư luận quan tâm mổ xẻ. 

 

Đành rằng, các trường này được thu học phí cao phải đảm bảo thêm 5 tiêu chí: cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; dịch vụ giáo dục. Đằng rằng, vị đại diện Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đã nhấn mạnh, những học sinh khi tham gia học tại các trường này sẽ đảm bảo được học tập trong một môi trường chất lượng cao cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giảng dạy với chương trình giảng dạy đổi mới, xây dựng khác so với chương trình chuẩn của Bộ.




Phát triển trường chất lượng cao, Sở GD Hà Nội dạy học sinh về giá trị đồng tiền


 

Rõ ràng, Sở GDĐT Hà Nội đã rất trăn trở khi đưa mô hình trường chất lượng cao vào thực hiện thí điểm. Nhưng cuối cùng, chắc những người lãnh đạo nền giáo dục thủ đô đều nhận ra rằng, học sinh  là con nhà giàu, phụ huynh sẵn sàng chi trả cho điều kiện học tập tốt hơn phải được quyền lựa chọn một môi trường học tập phù hợp với đẳng cấp của họ với những ưu đãi:  tiếp cận những phương pháp giáo dục hiện đại, có phương tiện đưa đón tận nhà... Nghĩa là các cậu ấm, cô chiêu chỉ cần bước một bước là lên xe máy lạnh, điều hòa chứ không còn phải đạp xe,  phơi đầu dưới cái nắng 37-38 độ của Hà Nội, mồ hôi nhễ nhại. Mối lo học sinh vất vả, không đảm bảo sức khỏe để học tập... của những người lãnh đạo ngành là không thể phủ nhận.

 

Ai đó cho rằng, mô hình này là "dạy" học sinh phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, là thỏa mãn thú chơi sang của người giàu thủ đô là chưa thấu hiểu tinh thần của Hà Nội. 

 

Nay nhé, ở Hà Nội ai không biết chuyện người giàu ăn bát phở tiền triệu trong khi nông dân bán ba kg lúa không bằng một cân ốc bươu vàng. Mấy ai không trầm trồ đại gia mua siêu xe hàng chục tỷ rồi đắng lòng trước cảnh người nghèo ở trong căn nhà vài m2... Sống là vậy, chết cũng chia đẳng cấp. Người ta đã nghe tới nhàm tai về những khu mộ hàng chục tỉ của người giàu, những chiếc quan tài đặt làm ở trời Tây giá hàng trăm triệu.

 

Chưa kể, phân chia giàu nghèo tại hệ thống công lập sẽ khiến học sinh sớm ý thức rằng, đẳng cấp của mình là nhờ ơn cha mẹ. Sau này, nếu cha mẹ có già cả ốm yếu, kinh tế khó khăn chắc các em sẽ ghi nhớ công ơn, mà không đến mức đẩy cha ốm ra ngoài vỉa hè như gia đình có học ở phố Núi Trúc, Kim Mã, Hà Nội. 

 

Ngoài ra, sự đua tranh đẳng cấp giàu nghèo trong từng lớp, từng trường của con cái sẽ là động lực thúc đẩy các bậc phụ huynh phải nỗ lực hơn nữa trong việc kiếm tiền, để con mình không thua bè kém bạn. Điều đó biết đâu sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang khó khăn trì trệ của thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung tiến thêm vài bước đột phá dài?

 

Sở GDĐT đã rất dũng cảm khi không lựa chọn cách lẩn tránh, che giấu những sự thật này với trẻ con, vì có che giấu thì chúng cũng tự biết qua quan sát, nhận thức của riêng chúng. Trong xã hội, sự phân chia giàu nghèo là có thật, và đang được coi là bình thường,là nguồn động lực để người ta phấn đấu học tập, làm việc, cố gắng. Hà Nội hiểu vậy nên dạy học sinh thực tế đó thôi.

 

Để thuyết phục hơn, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng kế hoạch, tài chính Sở GD Hà Nội đã nói rõ ràng, mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố đồng thời để đáp ứng hội nhập quốc tế.  Nghe rõ chưa quý vị!

 

Ai đó vặn vẹo lại mà hỏi rằng, học sinh là con nhà nghèo thì không được coi là nguồn lực đáp ứng hội nhập quốc tế hay sao, thưa các vị lãnh đạo giáo dục? Ấy chết, nói khe khẽ thôi chứ. Mà nhé, có khi quyền được chất vấn cũng là quyền của con nhà giàu thôi đấy. 

(Theo Đất Việt)