Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tạo mới nguồn rau sạch Tin ảnh

(15:50:11 PM 13/07/2013)
(Tin Môi Trường) - Mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh vừa được nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Đà Nẵng triển khai tại Cù Lao Chàm (TP.Hội An) đã mở ra hướng, tạo sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng tại đây mà không phải cần đất sản xuất.

Chủ động nguồn rau xanh

 

Trước tình hình điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước khó khăn trong việc trồng rau theo kiểu truyền thống, cộng thêm vào mùa mưa, nguồn cung ứng rau xanh từ đất liền ra đảo gặp nhiều khó khăn, UBND TP.Hội An đã phê duyệt triển khai đề tài “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh tại Cù Lao Chàm”. Theo TS. Võ Văn Minh (khoa Sinh - Môi trường, ĐHSP Đà Nẵng, chủ nhiệm đề tài), thủy canh là kỹ thuật trồng trực tiếp vào dịch dinh dưỡng và sử dụng dịch này để cây sinh trưởng, phát triển. Chỉ cần những thùng xốp chứa nước hoặc ống nhựa PVC đường kính 90mm được đục lỗ, đặt ly chứa xơ dừa dùng để gieo hạt và 1 ít hóa chất, người dân đã có thể sản xuất rau sạch nhanh, năng suất lại cao. Ưu điểm kỹ thuật này là có thể lắp đặt ở không gian hẹp của nhà phố cho tới những vùng có điều kiện đất đai khó khăn, chật hẹp. Phương pháp thủy canh giúp chủ động điều chỉnh dinh dưỡng, có thể giúp loại bỏ các chất gây hại cho cây.

 

Cây mướp đắng trồng trong hệ thống thủy canh nhỏ giọt tại nhà ông Ngô Hai đơm hoa, kết quả. Ảnh: Đ.M.A

 

Trong quá trình gieo trồng, do không sử dụng nước tưới mà chỉ sử dụng trực tiếp dịch dinh dưỡng nên phương pháp này giúp tiết kiệm nước tưới, phù hợp với những vùng thiếu nước, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và có thể điều chỉnh được những vụ rau trái mùa. Với điều kiện như Cù Lao Chàm, hệ thống thủy canh hồi lưu bán tự động khá phù hợp, dễ áp dụng, nguyên liệu khô dễ vận chuyển. Hiện tại, đề tài đang triển khai 5 hình thức thủy canh tại Cù Lao Chàm, qua nghiên cứu, đối sánh, sẽ lựa chọn phương thức phù hợp nhất để phổ biến kỹ thuật rộng rãi cho đông đảo người dân xã đảo. “Các mô hình này sẽ được tập huấn cho người dân xã đảo. Việc tiếp cận mô hình giúp người dân chủ động được nguồn rau an toàn trên đảo, nhất là mùa mưa, nguồn rau cung ứng từ đất liền ra đảo luôn gặp trở ngại, khó khăn” - TS. Võ Văn Minh cho biết.

 

Đến nay, nhóm nghiên cứu vừa mới triển khai đợt gieo trồng vụ rau thứ 2 tại xã đảo, dự kiến sẽ thu hoạch vào giữa tháng 7 này. Vụ rau trước, các tác giả đã chọn 3 địa điểm triển khai mô hình là nhà hộ dân Ngô Hai (thôn Bãi Hương), Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và Đại đội pháo binh Cù Lao Chàm. Qua 2 tháng triển khai với 15 mô hình trồng 5 loại rau chính gồm cải xanh, cải ngọt, rau muống, xà lách và mướp đắng, nhìn chung, các loại rau đã sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thủy canh.

 

Khó sản xuất đại trà

 

Có thể nhận thấy, ở các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt, việc đầu tư hệ thống thủy canh để trồng rau sạch đủ cung cấp cho gia đình đang dần được chú trọng. Theo đó, không gian nhà phố có thể được tận dụng triệt để làm rau xanh, những chậu, thùng xốp, ống PVC được đúc, khoét khéo léo, vừa để trồng rau, vừa được “trưng dụng” làm cây kiểng, tạo không gian xanh, sạch, mà lại vừa phục vụ bữa ăn hằng ngày. Riêng, tại Cù Lao Chàm, đa số người dân xã đảo chưa quen với phương thức sản xuất mới, điều kiện khí hậu lại khắc nghiệt, hệ thống cung cấp nước ngọt liên tục gặp sự cố… nên khó có thể triển khai sản xuất đại trà, mà chỉ có thể tập trung vào một nhóm hộ và cán bộ có đủ điều kiện sản xuất. Bởi đây là loại hình sản xuất đòi hỏi tính kỹ thuật cao, người sản xuất phải am hiểu, có khả năng vận hành mô hình tốt, có kiến thức về cây trồng, hóa học… Điều kiện Cù Lao Chàm luôn xảy ra gió bão, việc đầu tư hệ thống cần chú ý đến điều kiện thời tiết nhằm tránh thất thoát, hư hại.

 

 

Xà lách (20 ngày tuổi) trồng trong hệ thống thủy canh tĩnh tại Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm.

 

Không chỉ tiến hành nghiên cứu tại Cù Lao Chàm, nhóm nghiên cứu thuộc ĐHSP Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Liên minh Các hợp tác xã nông nghiệp ở TP.Đà Nẵng thí điểm mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh tại HTX Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, Sơn Trà). Cùng với đó, chương trình đã tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho 60 hộ dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc tiếp cận công nghệ của người dân có phần hạn chế, nên chỉ một số thành viên có thể tiếp tục duy trì mô hình.

 

Cụ thể, so với rau trồng theo kiểu truyền thống, rau được trồng theo phương thức thủy canh có giá thành sản phẩm cao hơn từ 1,5 - 2 lần do chi phí đầu tư ban đầu lớn. Điều đó dẫn tới đầu ra, việc tiêu thụ của loại hình rau sạch còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, đời sống đại đa số bà con còn khó khăn, không có điều kiện đầu tư sản xuất. Vì những lẽ trên, việc nhân rộng đại trà phương pháp thủy canh là khó khả thi. TS. Minh chia sẻ: “Ban đầu, khó có thể tính đến hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rau sạch này. Trước mắt, mô hình giải quyết nhu cầu về nguồn rau tại chỗ cho người dân xã đảo trong điều kiện thời tiết bất lợi. Quan trọng là giúp bà con thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất mới, tạo nguồn sản phẩm sạch, lại ít gây ô nhiễm môi trường”.

Quảng Nam Online