Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
PGS.TS Hà Đình Đức, người 20 năm nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm, lo lắng Cụ Rùa nổi nhiều trong thời gian gần đây cho thấy không bình thường, phải chăng do xuất hiện nhiều vết thương trên mình Cụ.
“Ngoài các vết lở loét, có thể rùa dễ bị viêm phổi do vi khuẩn, không ở dưới nước được lâu nên Cụ Rùa thường xuyên phải nổi lên tầng mặt để hô hấp”, TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, nhận định.
Theo ThS Kim Văn Vạn, Trưởng Bộ môn Nuôi trồng Thủy sản-Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, vết xây sát trên mình Cụ Rùa có thể do quá trình di chuyển với thân lớn có thể va chạm vào các vật sắc nhọn có ở đáy, thành Hồ dẫn đến cơ thể bị tổn thương hoặc có thể do lưỡi câu mắc vào gây xây sát.
Đưa Cụ lên bờ
Phương án đưa Cụ Rùa lên bờ để chữa trị được nhiều nhà khoa học đồng tình, trong đó có PGS Hà Đình Đức, người trước đó đề xuất phương án này tại cuộc gặp giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp ở Khu Du lịch Sinh thái Đầm Bông Hà Nội hồi đầu tháng 1/2011.
“Sức khỏe của Cụ Rùa gần đây tỏ ra kém hẳn, bơi lội chậm chạp. Do đó chúng ta cần thống nhất quyết định xử lý vết thương ở cổ và các xây xát ở viền mai cho Cụ”, GS.TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái Học Việt Nam, nói.
Ngoài những vết thương trên cổ, mai, có ý kiến cho rằng không ngoại trừ Cụ Rùa còn bị thương ở chân. Vì vậy phải đưa Cụ lên cạn rồi mời các bác sĩ thú y đến chữa trị khẩn trương.
ThS Kim Văn Vạn nói việc đưa Cụ Rùa lên chữa trị rất khả thi vì rùa có thể hô hấp được trên cạn. Biện pháp xử lý hiệu quả nhất là đưa Cụ Rùa lên cạn để xử lý đồng bộ các vết loét trên người một cách triệt để và đồng thời xử lý môi trường trong hồ như nạo vét bùn, xử lý nước.
“Cần thiết đưa Cụ Rùa lên chân Tháp Rùa để chữa trị kịp thời tránh để tình trạng ngày càng xấu thêm.” PGS.TS Hà Đình Đức đề xuất, “Ngoài ra cần đánh bắt và tiêu diệt rùa tai đỏ để bảo vệ Cụ Rùa và hệ sinh thái Hồ Gươm”.
TS.BS thú y cao cấp Nimal Fernando đến từ Ocean Park (Hồng Kông) cho rằng sau khi đưa Cụ Rùa ra khỏi Hồ, chúng ta phải thiết kế chuồng và nuôi giữ đặc biệt trong quá trình chữa trị.
“Chúng ta cần đơn giản hóa quá trình chữa bệnh. Việc chữa trị cho rùa mai mềm cần ít nhất từ một tháng đến vài năm. Chúng ta có thể sát trùng vết thương rồi sử dụng kháng sinh chữa trị vết thương.” - ông Nimal Fernando nói.
Theo ông Timothy McCormack, Điều Phối viên Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP), chúng ta có thể tạo thêm một số bãi tự nhiên để Cụ Rùa lên phơi nắng, như vậy cũng giảm được tổn thương do nấm.
Ông Yên cho biết thêm: “Nhân dịp này, chúng ta lấy máu để xác định ADN, xác định “cụ ông” hay “cụ bà” và chẩn đoán thêm xem Cụ Rùa có mắc thêm bệnh nào nữa không để xử lý?”
Hồ Gươm có hai cụ rùa?
Thông tin Hồ Gươm có ít nhất hai cụ rùa được ông Nguyễn Ngọc Khôi - Chủ tịch Tập đoàn Thương mại Hà Nội KAT - đưa ra khiến nhiều người bất ngờ.
Chỉ vào bức ảnh chụp hai vệt tăm rùa chạy dài trên mặt Hồ Gươm, ông Khôi khẳng định “trong chuyến khảo sát bằng thuyền quanh Hồ Gươm chiều 30 tết vừa qua, tôi khẳng định Hồ Gươm hiện có ít nhất hai cụ rùa.”
Theo ThS Đặng Gia Tùng, “Cách đây vài chục năm tôi đã nhìn thấy hai con rùa lên nằm cạnh Tháp Rùa”.
Dọn dẹp Hồ
Ông Đức đề xuất cần kiểm tra đáy hồ và thu dọn hết các chướng ngại có thể là một trong những nguyên nhân gây ra vết thương trên mình Cụ Rùa.
Timothy McCormack nói Rùa Hồ Gươm được ghi nhận cực kỳ nguy cấp ở Sách Đỏ IUCN 2010, điều đó có nghĩa là rùa có thể bị tuyệt chủng trong tương lai gần. Nhiều vết thương trên mình Cụ Rùa do hoạt động của con người xunh quanh Hồ gây ra.
“Chúng ta không chỉ có biện pháp bảo vệ Cụ Rùa mà còn bảo vệ Hồ nữa”, ông Timothy nói, “Tình trạng xả rác cần phải được ngăn chặn. Nếu Cụ Rùa nuốt phải dây cao su sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vì vậy chúng ta phải xử phạt nặng các hành vi xả rác gây ô nhiễm Hồ”.
Chúng ta có thể cải tạo kè để Cụ Rùa lên phơi nắng được dễ dàng cùng với đó là bổ sung nước vào Hồ - ThS Đặng Gia Tùng, Phó tổng Giám đốc Vườn thú Hà Nội, đề xuất.
Đồng tình với các giải pháp mà các nhà khoa học đưa ra, TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội, kết luận chúng ta phải nạo vét, dọn sạch môi trường, vật thể cứng nhọn xung quanh Hồ; Tuyên truyền dân không vứt rác, phóng sinh rùa tai đỏ xuống Hồ; Thay nước hồ; Chữa trị cho Cụ Rùa.