Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: V.NỞ
Xóa “quy hoạch treo”, dọn “dự án rào”
Tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn được giao trả lời 9 ý kiến chất vấn tập trung vào vấn đề quy hoạch, các dự án triển khai dở dang rồi rào lại để đó, ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhân dân. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định chắc chắn trong tháng 8-2013, UBND thành phố sẽ triển khai xong tổng rà soát tất cả các dự án trên địa bàn thành phố và phân loại dự án nào không triển khai được thì xóa “quy hoạch treo”, dự án nào khả thi hoặc dở dang thì ưu tiên bố trí vốn để triển khai. Sau khi phân loại sẽ công bố cho nhân dân được biết. Đối với các dự án triển khai dở dang trên các lô đất vàng trong trung tâm thành phố rồi rào lại để đó, thành phố vừa đôn đốc các nhà đầu tư tiếp tục triển khai, đồng thời có chế tài thu hồi các dự án này để giao cho các nhà đầu tư khác. Thành phố yêu cầu chủ các lô đất rào lại để giữ chỗ dọn vệ sinh, đưa hàng rào vào trong để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng giải thích thêm, do suy thoái kinh tế kéo dài đã làm ảnh hưởng đến năng lực của nhà đầu tư nên có dự án khởi công xong lại để đó, không có vốn để triển khai.
ĐB Nguyễn Quốc Bình chưa hài lòng với trả lời của ông Nguyễn Ngọc Tuấn về việc thành phố dừng xây dựng công trình Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang từ năm 2010 đến nay. Việc này khiến tàu không có cầu cảng để cập bến, nhiều ngư dân khi làm thủ tục xuất bến ra khơi phải bơi thúng, thậm chí bơi bộ ngậm hồ sơ trên miệng vào bờ để làm thủ tục rất bất tiện và nguy hiểm. ĐB Nguyễn Quốc Bình đề nghị thành phố sớm đầu tư cầu tàu tạm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm thủ tục hành chính.
Trả lời chất vấn của các ĐB HĐND thành phố: Năm 2014, thành phố có hoàn thành giải tỏa được không trong khi còn nhiều dự án quy hoạch nhưng chưa triển khai hoặc triển khai dở dang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết: Chủ trương của thành phố là vậy nhưng do chưa lường được suy thoái kinh tế kéo dài. Nguồn thu ngân sách của thành phố, nhất là nguồn thu từ khai thác quỹ đất sụt giảm làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách cho việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành kết cấu hạ tầng để bố trí tái định cư. Do vậy các dự án hiện nay phải triển khai chậm lại, giãn tiến độ. Tuy nhiên, từ năm 2014 thành phố sẽ giảm dần quy mô giải tỏa, đền bù. Về việc 205 hộ dân ở quận Liên Chiểu có nhu cầu được bảo lãnh để vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây nhà trọ cho công nhân, thành phố giao quận Liên Chiểu liên hệ với ngân hàng này làm thủ tục để các hộ dân này vay vốn.
Tội phạm “vẫn trong tầm kiểm soát”
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoàng Sơn về biện pháp nào để kiềm chế tình hình tội phạm gia tăng, Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Văn Sơn thừa nhận tình hình tội phạm phức tạp, có tăng hơn so với năm ngoái song vẫn trong tầm kiểm soát được. Tội phạm vùng ven tăng là do lực lượng chức năng “đánh” mạnh ở khu vực trung tâm nên dạt ra. Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn phân tích nguyên nhân dẫn đến tội phạm một phần là do hậu giải tỏa, người dân không có việc làm; do đó thành phố cần quan tâm vấn đề này. Công tác quản lý các dịch vụ như quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ chưa chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, 10 quán bar trên địa bàn thành phố mang lại lợi ích cho số ít cá nhân hơn là cho cộng đồng. Người có nhu cầu thực sự dịch vụ này cũng rất ít nhưng đây lại là tụ điểm hoạt động của đối tượng ma túy, tội phạm. Giám đốc Công an thành phố trả lời thẳng: Nếu hứa ngành Công an sẽ làm giảm được tội phạm là duy ý chí nhưng kiềm chế và kiểm soát được tình hình tội phạm thì quyết tâm cao là làm được! Trong thời gian tới, Công an thành phố sẽ chủ động phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể để thực hiện tốt kiềm chế tình hình tội phạm, đồng thời tổng kết đánh giá Chương trình “5 không”, “3 có” và xác định trách nhiệm rõ ràng.
Tạo điều kiện để sinh viên ra trường có việc làm
ĐB Đặng Công Thắng chất vấn: Tình hình thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho lao động năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 tiếp tục giảm; trong khi thanh niên, sinh viên Đà Nẵng ra trường không có việc làm tăng, đề nghị Sở cho biết khó khăn gì? Sở đã tham mưu cho UBND thành phố có những chính sách, giải quyết mới trong thời gian qua và sắp đến, bảo đảm giải quyết tình hình nêu trên? Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Thanh Hưng cho rằng, do tác động của kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên sinh viên ra trường không có việc làm. Hai yếu tố chính tác động đến vấn đề này là tăng trưởng kinh tế giảm nên khả năng tự tạo việc làm giảm đáng kể và tình trạng mất cân đối giữa cung - cầu lao động, nhất là các ngành tài chính, kế toán dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao. Công tác đào tạo chưa có dự báo tốt, chạy theo thị hiếu thị trường, sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, trong khi đó phần lớn tâm lý của phụ huynh muốn con em làm trong cơ quan Nhà nước.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Thanh Hưng, ngành Giáo dục và Đào tạo cần siết chặt tuyển sinh, dự báo tốt hơn, ban hành đề án phát triển nguồn nhân lực cao của thành phố, tăng cường công tác tư vấn cho học sinh, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tạo điều kiện cho sinh viên vay vốn sau khi ra trường. Ngoài ngân sách của thành phố, sở sẽ kêu gọi các doanh nhân thành đạt thành lập Câu lạc bộ “Khởi sự doanh nghiệp” để tạo điều kiện cho các em tự lập dự án và làm dự án nhỏ tạo việc làm. Trước câu trả lời này, ĐB Trần Văn Lĩnh cho rằng, Sở cần có chương trình cụ thể hằng năm nằm trong chương trình phát triển kinh tế tổng thể của thành phố và đặt ra mục tiêu rõ ràng, nếu cần thiết thành phố cần có cuộc họp để giải quyết.
Bảo đảm nguồn nước ngọt, xử lý ô nhiễm bãi biển
ĐB Nguyễn Thị Anh Đào chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường về vấn đề cử tri lo lắng lượng nước ngọt tính bình quân đầu người có bảo đảm cho người dân và Sở có kế hoạch gì để bảo đảm nguồn nước ngọt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Điểu cho rằng, nước ta nằm trong vùng có lưu lượng nước mưa lớn, tuy nhiên do thời tiết nắng hạn, hệ thống thủy điện lấy nước sông Thu Bồn và sông Vu Gia nên để bảo đảm nguồn nước ngọt trong tương lai, sở đã có khảo sát và có nguồn nước dự phòng ở hồ Đồng Nghệ, sông Túy Loan và phê duyệt dự án Nhà máy nước Hòa Liên; bên cạnh đó kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường can thiệp để trả nước về sông Vu Gia nhằm bảo đảm cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Trả lời về tình trạng ô nhiễm tại các bãi biển chưa được xử lý triệt để, ông Nguyễn Điểu cho biết, hiện nay, dọc tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa có 14 cửa xả ra biển, trong đó 3 cửa xả lớn có phát sinh mùi hôi đã được cải tạo là Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng và trước tu viện Phaolo. Dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành có 31 cửa xả nước mưa, nước thải ra biển. Do hệ thống thoát nước của thành phố là hệ thống thoát nước chung, khi trời mưa lớn hệ thống bơm nước thải về các trạm xử lý tập trung không thể bơm hết lượng nước mưa và nước thải trộn lẫn nên nước thải tại bơm sẽ theo nước mưa thoát ra môi trường. Ngoài ra, sau những đợt mưa, nước kéo theo rác từ cống chảy ra biển và tạo thành rãnh nước trên bãi biển gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, khi trả lời về ý kiến chất vấn đến bao giờ thành phố có hệ thống xử lý nước thải nước khi đổ ra biển thì ông Nguyễn Điểu cho rằng phải cần một khoản kinh phí lớn mới giải quyết được vấn đề này.
Xử lý thoát lũ cho người dân
Các cử tri cho rằng có một số cán bộ được bố trí chung cư không đúng và cho thuê lại. Hiện có 27 trường hợp vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao cho thành phố; nếu không bàn giao, trách nhiệm của Sở Xây dựng như thế nào. Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng cho biết, qua kiểm tra có 27 chủ căn hộ chưa chấp hành bàn giao. UBND thành phố đã chỉ đạo lấy lại nhưng họ không chấp hành. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt hành chính và cưỡng chế để thu hồi.
ĐB Lê Thị Như Hồng cho rằng, hiện nay có những con đường đã có 70% hộ dân xây nhà ở nhưng vẫn chưa được thảm nhựa và nhiều đường chưa có hố ga. ĐB Như Hồng đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết khi nào những con đường này có hố ga và được thảm nhựa để đảm bảo an toàn cho người dân. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng cho biết hiện nay sở đang kiểm tra. Về việc thảm nhựa, sở sẽ tổ chức đấu thầu vào tháng 7 để giảm kinh phí và dự kiến cuối tháng 9 sẽ triển khai. Một số ĐB cũng chất vấn ông Phạm Việt Hùng về việc có hay không 27 hộ nuôi cá lồng, cá bè trên sông Cổ Cò (quận Cẩm Lệ) gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến du lịch. Về vấn đề này, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra lại, sau đó sẽ có giải pháp hỗ trợ giải quyết thỏa đáng cho người dân. Liên quan đến việc xử lý thoát lũ cho người dân ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), ông Phạm Việt Hùng cho biết hiện nay Sở đã chỉ đạo lập dự án thoát lũ cho người dân, đồng thời hứa sẽ làm hết mình để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực này.
Trả lời chất vấn về việc mặt cầu Thuận Phước nhiều lần sửa nhưng vẫn hỏng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đặng Việt Dũng cho biết: Cầu vẫn còn trong thời hạn bảo hành nên đơn vị chịu trách nhiệm bảo hành đã tiến hành thử nghiệm vật liệu và phương pháp thảm mặt cầu mới thành công. Sắp tới sẽ tiến hành áp dụng để sửa mặt cầu. Ông hy vọng lần này sẽ tốt hơn nhưng chưa thể nói chắc chắn có sử dụng được lâu hơn không.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đánh giá việc trả lời chất vấn của 6 vị lãnh đạo đầu ngành và 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố cơ bản đạt yêu cầu của đại biểu HĐND thành phố và cử tri.