Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đưa chuyện Cụ Rùa ra quốc tế

(00:30:32 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Một báo cáo đầy đủ về hiện trạng nguy cấp của Cụ Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm kèm kiến nghị các biện pháp khẩn cấp cấp cứu cụ cũng như bảo tồn nòi giống cho cụ bằng một dự án lai ghép sinh sản táo bạo với loài rùa tương tự ở Trung Quốc sẽ được trình bày tại một hội nghị quốc tế tuần tới.

>> Nấm mốc tấn công Cụ Rùa?

>> Cụ Rùa có thể bị viêm phổi

 

Timothy Mc Cormack, Điều phối viên Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP), cho biết, đích thân anh sẽ rung chuông báo động và kêu gọi sự hợp tác quốc tế để khẩn cấp cứu Cụ Rùa tại hội thảo khu vực tổ chức ở Singapore tuần tới, kiểm điểm toàn diện về rùa cạn và rùa nước ngọt.

 

 

Cứu chữa cho Cụ Rùa và duy trì nòi giống của Cụ là hai việc làm cấp bách nhất hiện nay (Ảnh Hà Hồng)

 

Hy vọng cuối cùng

 

Tim tin rằng chuyện về Cụ Rùa sẽ là một trong những tâm điểm đáng chú ý nhất tại hội thảo không chỉ ở góc độ chuyên môn mà cả góc độ văn hóa- lịch sử. Theo anh, Việt Nam cần tận dụng sự quan tâm đặc biệt của quốc tế để huy động sớm nhất sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu giúp cứu vãn Cụ Rùa thoát khỏi tình trạng sức khỏe bi thảm hiện nay cũng như giúp thúc đẩy các biện pháp khẩn cấp duy trì giống nòi cho Cụ Rùa.

 

Trong số các loài rùa có ý nghĩa to lớn với khoa học mới phát hiện những năm gần đây ở Đông Nam Á, có thể kể tới loài rùa cạn Sulawesi (Geoemyda yuwonoi) sống trên đảo Sulawesi của Indonesia năm 1995 hoặc tái phát hiện một số loài sau thời gian dài như loài Heosemys leytensis ở Philippines.

 

Năm 2006, ghi nhận được loài rùa Trung Bộ của Việt Nam (Mauremys annamensis)s sau 67 năm không có báo cáo về tình trạng quần thể của loài ngoài tự nhiên. Đặc biệt, năm 2007, lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận sự tồn tại của một cá thể rùa sống trong môi trường hoang dã ở Việt Nam cùng loài với Cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), mở ra một hướng mới cho việc duy trì nòi giống Cụ Rùa.

 

Tim cho biết sẽ kể về truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm và loài rùa thần thoại: “Truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm diễn ra vào thế kỷ 15 khi Nhà Minh (Trung Quốc) đô hộ Việt Nam, trong thời gian Vua Lê Lợi từ Thanh Hóa dấy quân khởi nghĩa và được Long Quân cho mượn thanh gươm thần. Sau chiến thắng quân Minh xâm lược, tại hồ Tả Vọng, một cá thể rùa khổng lồ nổi lên và lấy lại gươm trước khi lặn xuống đáy hồ. Từ đó, Tả Vọng được đổi tên thành Hoàn Kiếm”.

 

Với ý nghĩa linh thiêng ấy, cái tên Rùa Hoàn Kiếm được các nhà khoa học ở ATP sử dụng trong các tài liệu khoa học gần đây bên cạnh tên khoa học Rafetus swinhoei. Mặc dù chưa giám định gene DNA của Cụ Rùa, các chuyên gia rùa quốc tế hàng đầu đều khẳng định toàn thế giới chỉ còn tồn tại bốn cá thể Rùa Hoàn Kiếm, một ở hồ Hoàn Kiếm, một ở hồ Đồng Mô, và hai ở Trung Quốc.

 

Với tình hình hiện tại của Cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm, Tim sẽ trình bày tại hội thảo quốc tế phương án tìm hậu duệ cho cụ và phương án này được xem là “hy vọng cuối cùng để cứu loài này” do, thời gian qua, các cá thể khác cùng loài với Cụ Rùa được tìm thấy ngày càng ít và trở nên khó khăn hơn”. Phương án đó thế nào?

 

Rùa Việt Nam sẽ thăm Trung Quốc vài năm

 

 “Chương trình phối hợp bảo tồn Rùa Hoàn Kiếm giữa Việt Nam và Trung Quốc là phương án nên được xem xét và cân nhắc”, Tim nói.

 

Cá thể Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô của Việt Nam được xác nhận là giống đực nhân đợt giải cứu cá thể năm 2008. Cá thể này có thể được ghép đôi sinh sản với cá thể cái ở Trung Quốc.

 

Nếu phương án được phía Việt Nam chấp thuận, Tim đề xuất thỏa thuận của phương án có thể là, một nửa số cá thể con nở thành công sẽ được đưa về Việt Nam mỗi năm; còn cá thể rùa đực ở hồ Đồng Mô sẽ được đưa trở hồ Đồng Mô sau một số năm thực hiện ghép đôi nhân giống.

 

“Từ những ổ trứng có số lượng lớn được sinh sản của loài này và từ thực tế cá thể cái ở Trung Quốc đã sinh sản, tiềm năng nhân giống bảo tồn loài sẽ rất cao”, báo cáo của Tim và cộng sự sẽ trình bày tại Singapore tuần tới, nhận định.

 

Các ví dụ về chương trình phối hợp bảo tồn như trên đã được ghi lại trong các tài liệu khoa học và một số trường hợp có kết quả rất tốt, cứu được một số loài hoang dã nguy cấp khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

 

Đáng chú ý, nhiều tổ chức chính phủ và các chuyên gia trong hoạt động phối hợp nỗ lực nhân giống sinh sản ở Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm hỗ trợ bất kỳ chương trình trao đổi nào như vậy, nếu được thực hiện.

 

Ngay sau khi tham dự hội thảo “Giải pháp tổng thể bảo vệ Rùa Hồ Hoàn Kiếm” do Sở Khoa học&Công nghệ tổ chức sáng 15-2 ở Hà Nội, Tiến sỹ Nimal Fernando có cuộc khảo cứu quanh hồ Hoàn Kiếm, tìm hiểu tại chỗ các yếu tố nguy cơ đối với tính mạng Cụ Rùa TS N.Fernando cho biết sẽ trả lời phỏng vấn Tiền Phong về hiện trạng hồ Hoàn Kiếm và các kiến nghị biện pháp cấp bách xử lý Cụ Rùa. TS N.Fernando là bác sỹ thú y cao cấp nổi tiếng thế giới đang làm tại Công viên Đại Dương, Hồng Kông, Trung Quốc.

 

 

Theo QD/TP