Theo quy định của Luật Khoáng sản do Chính phủ ban hành, để được tận thu tài nguyên, khoáng sản tại những khu khu vực như trên, chính quyền địa phương phải lập hồ sơ trình các cấp thẩm quyền thẩm định, trong trường hợp này phải được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý bằng văn bản.
Thế nhưng, bỏ qua những quy định nêu trên, chính quyền xã Kỳ Thượng đã âm thầm cho phép nhà thầu là doanh nghiệp tư nhân Mi Vy (trụ sở tại Vũng Tàu) vào tổ chức khai thác cát sỏi, tận thu sa khoáng.
Việc làm này được chính ông Nguyễn Dễ, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mi Vy thừa nhận với phóng viên vào chiều ngày 7/7. “Cái này không phải giấy tờ mỏ miếc gì đâu, mà xã, huyện tạo điều kiện cho anh em làm, vì số lượng khai thác ở đây cũng chỉ mấy ngàn khối thôi, không lớn lắm. Tôi rất am hiểu luật, nếu mỏ lớn tôi ra tận Bộ TN-MT, UBND tỉnh Hà Tĩnh xin phép rồi”- ông Dễ nói.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Nguyễn Văn Tiến cũng thừa nhận xã không báo cáo, không xin phép UBND huyện Kỳ Anh, không được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép nhưng vẫn cho doanh nghiệp khai thác, tận thu khoáng sản trên khu vực thượng nguồn sông Rào Trổ.
Theo tiết lộ của chủ doanh nghiệp Mi Vy, để được quyền tổ chức khai thác khoáng sản tại khu vực này, doanh nghiệp phải cam kết đóng nộp ngân sách cho xã Kỳ Thượng mỗi năm 50 triệu đồng. “Năm 2012 chúng tôi đóng cho xã 50 triệu, năm nay xã xin thêm chúng tôi đóng 80 triệu. Đóng tiền cho xã và đầu tư vào đấy hơn một tỷ đồng rồi nhưng chúng tôi chưa khai thác được gì, mới chỉ làm mấy ngày nay thôi”- ông Dễ cho biết.
Chủ doanh nghiệp Mi Vy kêu: “Làm cái này không có lời lãi nhiều đâu. Chúng tôi bán ra mỗi khối cát chỉ được 40.000 đồng, trừ chi phí chỉ còn lãi 20.000 đồng. Nhưng số tiền này chưa phải lãi ròng mà còn dùng để chi quan hệ, mua hóa đơn xuất hàng”.
Tăng nguồn thu cho ngân sách xã?
Việc chính quyền xã Kỳ Thượng qua mặt các cấp thẩm quyền cấp chui, khoán trắng cho Doanh nghiệp Mi Vy khai thác, tận thu khoáng sản trên địa bàn đã rõ. Trách nhiệm của cơ quan quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn ở đâu? Trưởng phòng TN-MT huyện Kỳ Anh Phạm Huy Tường tỏ ra bất ngờ: “Có việc đó à? Chúng tôi không hề hay biết. Nếu có thì xã họ làm mô dưới, có báo lên phòng đâu!”.
Thượng nguồn sông Rào Trổ bị "làm gỏi", nhưng UBND huyện Kỳ Anh không hay biết?
Ông Tường nói, việc doanh nghiệp nói đã thông qua huyện, được huyện đồng ý cho phép khai thác, tận thu cát sỏi, sa khoáng tại thượng nguồn sông Rào Trổ là "nói bậy". “Đây là họ làm chui thôi, không có hồ sơ, thủ tục gì đâu. Chúng tôi không biết thì làm sao tỉnh biết được”- ông Tường nói thêm.
Trả lời câu hỏi, có hay không cán bộ xã Kỳ Thượng móc ngoặc với doanh nghiệp như phản ánh của người dân; ông Tường cho rằng cần xác minh cụ thể, phải có chứng cứ cụ thể mới kết luận được.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, liên tục phân bua: “Thực sự chúng tôi mong báo chí tạo điều kiện hỗ trợ xã, vì ngân sách xã rất khó khăn. Chính quyền xã cho phép doanh nghiệp tận thu khoáng sản trên địa bàn là để tăng thêm nguồn thu ngân sách cho xã”.
Điều dư luận băn khoăn nữa là cái giá 50 triệu đồng/năm được cho là quá ưu ái; bởi ngoài cát doanh nghiệp này còn tận thu cả sỏi và vàng cám. Có lý do gì để doanh nghiệp nhận được sự ưu ái đó?