Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dân chán tố cáo tham nhũng ‘vì chẳng thay đổi được gì’ Tin ảnh

(13:51:28 PM 10/07/2013)
(Tin Môi Trường) - 62% trong số 1000 công dân được hỏi ở 15 tỉnh, thành Việt Nam cho biết sẽ không tố cáo tham nhũng, trong đó phần lớn cho rằng vì "chẳng thay đổi được gì".

Đó là một trong những kết quả khảo sát “Phong vũ biểu Tham nhũng 2013” đượcTổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa công bố chiều qua tại Hà Nội.

 

Có làm được đâu mà tố cáo thêm

 

Theo kết quả khảo sát, tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”.


 


Biểu đồ cho thấy thang điểm từ 0 đến 5 (rất tham nhũng)


 

Kết quả trên được tổng hợp qua phỏng vấn trực tiếp 1.000 người dân ngẫu nhiên ở 15 tỉnh, thành trên cả nước.

 

Bà Đào Thị Nga, Giám đốc TI, cho biết: “Đa số người dân cho rằng tình trạng tham nhũng tăng lên trong hai năm qua. Cụ thể 55% người dân được hỏi cảm thấy tham nhũng tăng lên, cao hơn mức trung bình 48% ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, chỉ có 18% cho rằng tham nhũng giảm đi và 27% nghĩ rằng mức độ tham nhũng không thay đổi”.

 

Khảo sát về tham nhũng trong khu vực công, 30% người dân đánh giá là vấn đề rất nghiêm trọng và chỉ có 5% nhận định không có vấn đề gì. Bên cạnh đó, 59% người dân cũng cho rằng những quan hệ quen biết cá nhân là quan trọng hoặc rất quan trọng để được việc khi người dân cần giải quyết trong khu vực công”.

 

Tham nhũng tăng nhưng niềm tin của người dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng lại giảm. Con số này cao hơn các nước khác trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

 

Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Lê Truyền đã đặt câu hỏi: "Tại sao người dân Việt Nam sẵn sàng tố cáo tham nhũng thấp hơn các nước? Nếu coi tham nhũng là giặc thì dân ta có bao giờ sợ giặc?".

 

Và ông tự trả lời: "nhiều việc biết cả rồi, như một số người giàu nhanh, chuyện mua chức mua quyền, việc kê khai tài sản...mà có làm được đâu, vậy tố cáo thêm để làm gì"!

 

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH, cho rằng người dân giảm lòng tin vì thực tế cuộc đấu tranh không hiệu quả, mức độ xử lý chưa đúng với tính chất tham nhũng. "Số lượng án treo tham nhũng nhiều và tràn lan là một trong những biểu hiện nương nhẹ đối với hành vi tham nhũng", ông Thuyết nói.

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người dân thờ ơ với tố cáo tham nhũng vì "không thay đổi được gì" là kết quả của những thông điệp từ các cấp cao hơn. “Nếu thay đổi được thì các lãnh đạo cao nhất đã không phải nói suốt về tham nhũng, lợi ích nhóm...”, bà Lan lý giải.


"Họ ở bộ máy quyền lực, có khả năng nhất trong phòng, chống tham nhũng mà vẫn còn kêu ca, thì người dân tay không sao làm được", bà Lan nhận định.

 

“Tố cáo tham nhũng chẳng thay đổi được gì. Đó là lý do nhiều nhất (51%) mà người dân nêu khi không muốn tố cáo tham nhũng. Ngoài ra, việc sợ gánh chịu hậu quả và không biết tố cáo với ai cũng là hai lý do được người dân đưa ra khi không muốn tố cáo tham nhũng” , bà Nga cho biết.


Lấy lại lòng tin


Đề cập giải pháp, ông Lê Truyền cho rằng phải “lấy lại lòng tin” của người dân. Theo ông, Nhà nước cần làm tốt những cam kết của mình, từng việc nhỏ, để lấy lại lòng tin, khơi dậy tính tích cực, chủ động của dân. ‘Chứ để mòn đi, chán nản thì Nhà nước có làm gì cũng không được nữa’, ông cảnh báo.

 

Bình luận về sự thờ ơ của người dân trong tố cáo tham nhũng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng kết quả này phản ảnh đúng thực tế. “Người dân tố cáo mà không có sự thay đổi nào thì tố cáo làm gì. Chính những người ở trong bộ máy quyền lực không thay đổi thì khó tạo niềm tin cho người dân” - bà Lan nói.


Vì trình độ, hiểu biết của người dân về tham nhũng, về chính quyền đã cao hơn. "Giờ không còn có thể nói dối, mị dân. Người dân tinh tường và biết, không thể dễ dàng che đậy, làm họ hiểu khác đi được", bà Lan nói.


GS Nguyễn Minh Thuyết cũng lưu ý rằng người dân có thể nhìn thấy những "nhóm lợi ích" sau không ít những quyết định bất hợp lý từ các cơ quan nhà nước.

 

Dựa trên kết quả khảo sát, Báo cáo đưa ra khuyến nghị cần tập trung vào những ngành mà người dân hay gặp phải các hiện tượng tham nhũng nhất, đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ kịp thời mà không phải đưa hối lộ. Có những hình phạt kịp thời và thích đáng đối với những kẻ tham nhũng để tăng niềm tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng.

(Theo Tổng hợp)