Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần cách ly để chữa trị Cụ Rùa

(00:30:27 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Các nhà khoa học cho rằng cần phải chuẩn bị một nơi để cách ly và chăm sóc Cụ Rùa sau khi kết thúc việc chữa trị, khi nào sức khỏe ổn định mới thả Cụ trở lại môi trường Hồ Gươm.

>> Đưa chuyện Cụ Rùa ra quốc tế

>> Nấm mốc tấn công Cụ Rùa?

>> Cụ Rùa có thể bị viêm phổi

 

TS Bùi Quang Tế, từng làm việc ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, cho rằng chúng ta nên dùng bể nhựa HDPE thể tích 40-50m3, bể nuôi dưỡng bằng HDPE thể tích 200-400m3 để nuôi dưỡng rùa sau khi đã xử lý vết thương.

 

 

Cần phải chuẩn bị một nơi để cách ly và chăm sóc Cụ Rùa sau khi kết thúc việc chữa trị (Ảnh: internet)

 

“Các bể này cần đặt ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm, chuyển rùa vào bể chữa vết thương và chuyển sang nuôi dưỡng”, TS Tế nói, “Cần từ 30 đến 60 ngày để rùa khỏi vết thương”.

 

Đồng tình với ý kiến của TS Bùi Quang Tề, TS Phan Thị Vân, Viện Nuôi trồng Thủy sản 1, cho biết thêm cần cách ly Cụ Rùa vào bể lớn, đủ lượng nước sạch để tránh gây sốc do thay đổi điều kiện sống của Cụ.

 

Theo TS Vân, “khi kết thúc dùng thuốc, chúng ta cho Cụ Rùa ra ao sạch một thời gian để tiếp tục theo dõi cũng như hoàn thành các phương án dọn sạch Hồ Hoàn Kiếm rồi sau đó mới trả Cụ Rùa về Hồ Gươm.”

 

Nhiều nhà khoa học đều đồng tình với giải pháp đưa Cụ Rùa bên bờ để chữa trị nhưng chưa thống nhất được cách nào mà chỉ đưa ra các giải pháp.

 

GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh Thái học, đề xuất dùng lưới vây dài, cao, mắt to để bắt rùa; sau đó vận chuyển Cụ bằng cáng.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Tập đoàn Thương mại Hà Nội KAT, đề xuất “dùng bẫy lưới để bắt rùa, sau đó khiêng cụ lên bờ bằng trực thăng.”

 

“Một con rùa nặng 40 cân mà bốn công nhân của tôi mới khiêng được trong điều kiện rùa bò dưới bùn. Còn nếu ước nông, để khiêng được Cụ Rùa lên bờ làm sao để không gây thêm các vết thương cho cụ là rất khó” - ông Nguyễn Ngọc Khôi nói.

 

Lấy mẫu vết thương để chẩn đoán bệnh

 

Theo TS Vân, cần lấy mẫu vết thương để chẩn đoán các tác nhân, nhất là tác nhân vi khuẩn và nấm. Nếu là vi khuẩn, cần tiến hành thêm bước thử kháng sinh; cách ly rùa vào bể lớn, đủ lượng nước sạch cho phù hợp điều kiện sống của rùa. Từ đó tìm loại thuốc cần dùng, cần thử thuốc ở loài tương đối gần với loài Rùa Hồ Gươm. Theo đó, phương án bôi thuốc cho Cụ Rùa là khả thi hơn cả.

 

TS Kim Văn Vạn, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng khi đưa lên bờ, cần vệ sinh sạch sẽ trên thân Cụ (dùng nước sạch 25 – 30 độ C tắm rửa) sau rửa lại bằng nước sinh lý rồi thấm khố. Sau đó dùng thuốc sát trùng xử lý vết thương rồi dùng kháng sinh đặc hiệu với vi khuẩn chuyên gây bệnh cho động vật thủy sản như enrofloxacine, erythromycine, imequyl, v.v…, rồi giữ yên Cụ trên cạn để phát huy tác dụng của thuốc, Ngày xử lý hai lần kéo dài trong năm ngày liên tục.

 

Về việc xử lý vết thương, theo GS Yên, “địa điểm xử lý vết thương cho cụ nên ở gần Hồ Gươm. Dung dịch rửa vết thương có thể là dung dịch Iod, bột penicillin...”

 

GS Yên đề xuất cần phải mời bác sỹ thú y, bác sỹ ngoại khoa, nhà động vật học có kinh nghiệm thực hiện công việc này.

 

Do chưa có cơ sở thực nghiệm chữa trị cho Rùa Hồ Gươm, TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản đã nghỉ hưu, đề nghị áp dụng giải pháp đã được sử dụng cho việc điều trị các vết loét trên cá tầm.

 

“Giải pháp này chúng tôi đã chữa trị thành công cho các vết loét được cho là kết quả tổng hợp bởi các tác nhân sau: do va đập, do thiếu dinh dưỡng và ảnh hưởng của chất lượng nước”, ông Vĩnh giải thích.

 

Sau khi làm sạch bằng chế phẩm S301 (được chiết xuất từ nước suối khoáng), vết thương lành hẳn từ sau 10 đến 15 ngày. Chế phẩm này cũng được dùng làm sạch trong bệnh viện, làm lành và giúp liền da trên người.

 

Theo các nhà khoa học, khi xử lý vết thương cho Cụ Rùa, cần tiến hành đồng thời xử lý nước, bùn đáy hồ để tạo môi trường thích hợp cho Cụ Rùa để khi xử lý xong, Cụ Rùa được thả lại môi trường trong sạch sẽ tránh tái nhiễm.

 

Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội, nói “Những việc làm được ngay sẽ làm ngay, chẳng hạn như tạo bãi cát cho rùa lên phơi nắng ở tháp Rùa vì đấy cũng là biện pháp chữa bệnh tự nhiên”.

 

 

- Mặc dù những nguyên nhân tác động từ rùa tai đỏ đến Rùa Hồ Gươm mời chỉ là phỏng đoán nhưng, theo các nhà khoa học, việc loại trừ rùa tai đỏ cũng nên được triển khai  càng nhanh càng tốt.

- Dù muốn hay không, Rùa Hoàn Kiếm hiện nay cũng sẽ chết vào một lúc nào đó, bởi thế những nghiên cứu về giống loài của nó tại Việt Nam cần phải tiếp tục và tìm ra kinh phí để bổ sung vào hồ một số cá thể mới, nhằm duy trì nòi giống và quỹ gene của chúng.

 

Phạm Mạnh