Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khoảng giữa năm 2007, vườn nhãn nhà ông Hai Chìa bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con. Lúc đầu ông nghĩ chúng trú tạm một thời gian ngắn rồi đi, nhưng có lẽ do gia đình ông quý đàn vạc này nên canh giữ không cho ai bắn phá. Như hiểu được tấm lòng của ông, chúng rủ nhau về trú ngụ ngày càng đông và cứ thế sinh sôi nảy nở, ước hiện khu vườn có đến hàng ngàn con vạc.
Vợ chồng ông Hai Chìa bắt một con vạc để chụp hình gửi mẫu đến cơ quan chức năng giám định (sải cánh của con vạc dài hơn 1m).
Khoảng 5- 6 giờ sáng mỗi ngày là khu vườn của ông rộn lên với từng đàn, từng đàn vạc bay về sau một đêm đi kiếm ăn. Mỗi đàn có vài chục con đến cả trăm con, biểu diễn những đường chao cánh tuyệt đẹp và tiếng đập cánh phành phạch hòa tấu cùng tiếng kêu “oạc, oạc, oạc” xao động cả một khung trời.
Chúng đậu trên những cây nhãn, tạo nên một không gian tuyệt vời như ở những nơi bảo tồn động vật hoang dã. Lần theo bước chân nhè nhẹ của ông Hai, chúng tôi đi vòng quanh khu vườn nhãn, thấy dưới đất trải đầy phân chim, trên những nhánh nhãn thì san sát những tổ chim lớn.
Vào đến giữa khu vườn, ông Hai vỗ tay vài cái thì ào ạt hàng trăm con chim lớn như con cò và có màu xám ngắt bay lên và hoảng hốt kêu “oạc… oạc…” Ông Hai khẳng định đây là loài vạc cùng họ với cò nhưng khác màu và thân mình to hơn, chân và mỏ cũng có vẻ ngắn hơn cò.
Vì yêu quý động vật hoang dã, gia đình ông Hai Chìa quyết định bảo tồn loài vạc này. Cùng với ông, người cháu tên Lê Phước Đại có 5 công nhãn nằm cặp vườn nhãn của ông Hai cũng để cho vạc “ở nhờ”, nên khu vườn nhãn cho vạc ở đã lên đến 2,4ha.
Khi mùa nhãn ra hoa, ông và người cháu muốn tưới thuốc, rải phân thì phải làm vào ban đêm. Lúc đó, đàn vạc đi ăn đêm, nên không sợ động khiến chúng di cư nơi khác.
Khi đến mùa thu hoạch nhãn thì phiền phức không kém, vì phải hái trái từng cây một và thu hoạch cuốn chiếu, hết liếp này mới qua liếp khác. Việc hái nhãn cũng hết sức nhẹ nhàng, ra vườn không ai dám nói chuyện lớn tiếng, sợ đàn vạc “giận mà bỏ đi”…
Tuy đàn vạc làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn đã gây thiệt hại không nhỏ về năng suất nhãn nhưng vì yêu quý chúng nên ông Hai chấp nhận. Thời gian dần trôi, đàn vạc sinh sản càng nhiều và vạc còn bẻ cong những đọt nhãn để làm tổ nên nhánh bị chết khô rất nhiều.
“Chỉ tính riêng khu vườn cho vạc ở là 15 công, mỗi công tôi trồng 20 cây nhãn, mỗi cây nhãn trên 15 năm tuổi của gia đình hiện thu hoạch trên 50 kg/cây. Nhưng đàn vạc trú ngụ làm thiệt hại hơn 2/3. Vậy, nếu tính giá nhãn 10.000 đ/kg như hiện nay thì mỗi năm gia đình tôi thất thu cả trăm triệu đồng”- ông Hai Chìa nhẩm tính.
Ngoài việc thất thu nhãn, khu vườn của ông cũng thường xuyên có kẻ rình săn vạc. Nhiều lúc ông ra vườn thấy xác của những con vạc gãy cánh, nằm chết thối rất thảm thương. Việc chăm sóc nhãn mà tránh làm động đàn vạc đã là một việc vất vả, nhưng vất vả hơn chính là gìn giữ đàn chim không bị săn trộm.
Cứ mỗi sáng, đàn vạc lại bay về trú ngụ trong vườn nhãn sau một đêm đi kiếm ăn.
Vợ ông Hai Chìa- bà Lê Kim Thôi nói: “Mặc dù đàn chim trú ngụ gây khó khăn trong việc chăm sóc vườn, nhất là việc giữ gìn đàn chim không cho người khác vào vườn bắn phá hết sức vất vả, nhưng mỗi buổi chiều nhìn thấy đàn chim bay đi ăn là chúng tôi thấy rất vui”.
Ông Hai cho biết: Vợ chồng ông có 3 người con, cho đi học đại học xong rồi bám lại làm việc trên các thành phố. Ông bà sống thui thủi, may mà có thằng cháu kế bên chạy qua chạy lại giúp đỡ... Từ khi có đàn chim về trú ngụ đến nay, ông không dám đi đâu xa.
Suốt ngày đêm, ông cùng người cháu canh chừng, không cho người vào săn trộm bằng súng hơi. Còn kẻ săn vạc thì gièm pha, cạnh khóe rằng “chim trời cá nước…”, thậm chí ghét bỏ 2 người nặng lòng với đàn vạc.
Một ngày không hẹn trước, chúng tôi đến thì bà Hai bảo ông đi chợ, hẹn khi khác và không dám mở cổng mời chúng tôi vào nhà. Khi tìm hiểu kỹ bà Hai mới thở phào nói nhỏ: “Ổng đi Sóc Trăng mà đâu dám nói, chỉ nói đi chợ. Ai đến tìm cũng không dám mở cổng, biết được không có ổng ở nhà là đàn vạc sẽ bị phá hết…”
2 ngày sau, chúng tôi lại đến theo cuộc hẹn, ông Hai mới trút hết nỗi lòng: “Cảm động và muốn bảo tồn, tôi đã gởi đơn kêu cứu khắp nơi mong hỗ trợ kinh phí để xây dựng hàng rào và bù lỗ phần nào thiệt hại kinh tế vườn.
Tuy nhiên, gần 3 năm qua, có nhiều cơ quan chức năng đến khảo sát, nhưng vẫn chưa được cơ quan nào trả lời dứt khoát là có nên bảo tồn hay không. Chờ đợi mỏi mòn, thằng cháu (anh Lê Phước Đại) có 5 công vườn kế bên phải phá bỏ cây tạp, đuổi đàn vạc trong vườn đi, nhằm bảo vệ cây nhãn để thu hoạch. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến đàn vạc, tôi bảo vệ không nổi thì… đàn vạc có nguy cơ mất”.
Hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do con người săn bắt bừa bãi. Cũng giống như nhiều loài khác, loài vạc cũng ngày càng vắng bóng trên bầu trời miền Tây.
Với ông Hai Chìa, đây là loài vật hoang dã và số lượng ngày càng ít dần, hiện tại dù thiệt hại và khó khăn nhưng ông cũng quyết bảo vệ đàn vạc và mong rằng cơ quan chức năng sớm quan tâm và có phương án bảo tồn.
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi tìm đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Long, nơi đây cho rằng đã giao cho Chi cục Môi trường thuộc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh khảo sát và đánh giá. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã có văn bản yêu cầu Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn nắm tình hình. Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái gì.