Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhạc võ Tây Sơn cần có thêm những gương mặt biểu diễn mới.- Trong ảnh: Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận đang biểu diễn nhạc võ. Ảnh: HOA KHÁ
Sức hút và khổ luyện
Nhạc võ Tây Sơn (còn có tên gọi khác như trống trận Quang Trung, trống trận Tây Sơn) nổi danh khắp nước, là niềm tự hào của người dân Bình Định. Từ nhiều năm qua, nhạc võ Tây Sơn đã phục vụ đắc lực hoạt động văn hóa, du lịch của tỉnh, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu, đặc trưng và rất được du khách gần xa mến mộ, yêu cầu được thưởng thức mỗi khi đến với Bình Định. Với Bảo tàng Quang Trung và Nhà hát tuồng Đào Tấn, biểu diễn nhạc võ Tây Sơn luôn là tiết mục “đinh” trong chương trình phục vụ du lịch, sự kiện.
Chỉ là một bài nhạc võ được thể hiện trên 12 trống (chia làm 3 cỡ: lớn, trung, nhỏ, mỗi cỡ 4 trống) gồm 3 hồi (xuất quân, xung trận - công thành và khải hoàn) có thời lượng biểu diễn chừng 7 phút, song nhắc tới quá trình tập luyện và biểu diễn nhạc võ, người biết đánh đều than quá khó, quá mệt.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Triều Dâng, người có thâm niên dạy và biểu diễn nhạc võ suốt hơn 20 năm qua ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, nhạc võ có nguồn gốc từ nhạc tuồng, do vậy nhạc lý của nó không quá phức tạp nhưng bài bản động tác, kỹ thuật biểu diễn rất khó học. Hơn nữa, việc tập luyện, biểu diễn rất tốn sức, đòi hỏi tập trung cao độ và sự khéo léo. Xuất thân từ nhạc công trống, được các nghệ sĩ giỏi về nhạc võ như cố NSƯT Dương Long Căn, Trương Văn Trí dìu dắt, nhạc sĩ Triều Dâng vẫn mất khá nhiều thời gian, tâm sức mới “nuốt” nổi bài 12 trống này. “Khó thì khó nhưng học được rồi thì mê lắm. Hay, độc đáo ở nội dung, tiết tấu, âm thanh lẫn kỹ thuật biểu diễn, chưa kể giá trị tinh thần, lịch sử của nó. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì may mắn được học, được biểu diễn một “tuyệt kỹ” của ông cha ta để lại”, nhạc sĩ Triều Dâng tâm tình.
Với nghệ sĩ Hoàng Thanh Bình, nhớ lại quãng thời gian gần 3 tháng học cấp tốc bài trống trận Quang Trung để biểu diễn theo yêu cầu của một hợp đồng quan trọng, chị không khỏi… tự khâm phục mình! “Suốt tháng đầu tiên làm quen với dàn nhạc 12 trống, tôi gần như khóc vì không thể tiếp nhận được. Hơn 10 năm trời vào nghiệp diễn viên tuồng, giờ nghĩ lại tôi thấy vẫn không khó bằng việc học, biểu diễn bài 12 trống vỏn vẹn trong 7 phút. Nhưng với quyết tâm phải chinh phục cho bằng được, gần 3 tháng tôi đã có thể biểu diễn được tương đối”, nghệ sĩ Thanh Bình chia sẻ.
Năm 2010, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã mời một số nhạc sĩ, nhạc công của Nhà hát tuồng Đào Tấn vào TP Hồ Chí Minh để truyền dạy nhạc võ. “Ban đầu họ chủ quan, cứ nghĩ học cấp tốc chừng 1 tháng là có thể biểu diễn thành thạo được, thực tế khóa học kéo dài gần 3 tháng, nhưng cũng chỉ đạt được nền tảng tiếp cận ban đầu. Để đánh nhạc võ hay, toát lên hào khí, có khi dành cả đời người”, NSƯT nhạc sĩ Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết.
Biểu diễn nhạc võ Tây Sơn tại bảo tàng Quang Trung- Tây Sơn. Ảnh: Văn Lưu
Để nhạc võ lan tỏa hơn nữa
Hiện nay, số người biểu diễn nhạc võ chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu như chưa có kế hoạch đào tạo bài bản để bổ sung lực lượng. Hiện cả tỉnh chỉ có 5 người chuyên biểu diễn nhạc võ, trong đó Bảo tàng Quang Trung có nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, lứa trẻ hơn có 2 người là Dương Thị Hương và Hoàng Mai; Nhà hát tuồng Đào Tấn có 2 người là nhạc sĩ Nguyễn Triều Dâng và nghệ sĩ Hoàng Thanh Bình.
Nguyên nhân căn bản khiến số người biểu diễn nhạc võ chỉ như “lá mùa thu” là ở sự nhìn nhận và bảo tồn, phát huy giá trị nhạc võ còn thiếu chiều sâu. NSƯT Gia Thiện nhìn nhận: “Lâu nay, nhạc võ mới chỉ được khai thác hiệu quả ở việc biểu diễn bài 12 trống như bài bản đã có, còn việc kế thừa, phát triển trên nền nhạc võ để viết ra những sáng tác mới hoặc tìm kiếm một hình thức biểu diễn mới theo hướng quy mô hơn, đa dạng hơn vẫn chưa được chú trọng. Là một di sản văn hóa phi vật thể có tính độc nhất vô nhị, đồng thời mang trong mình giá trị tinh thần, giá trị lịch sử to lớn, việc bảo tồn, phát huy nhạc võ thông qua biểu diễn như lâu nay là chưa xứng tầm. Tuy vậy, làm cách nào để nâng cao giá trị và tính phổ biến của nhạc võ thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản”.
Có thể thấy, nhạc võ Tây Sơn là một di sản văn hóa độc đáo không chỉ của một vùng đất, nếu việc khai phá, biến tấu, phát triển thêm không đạt giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao sẽ ảnh hưởng đến giá trị của di sản. Về điều này, một khán giả trẻ nặng lòng với nhạc võ Tây Sơn đưa ra đề xuất: “Ai cũng biết nhạc võ Tây Sơn là “đặc sản” văn hóa của Bình Định, nhưng ngay tại Bình Định, thậm chí là trên vùng đất võ Tây Sơn cũng không có nhiều người biết biểu diễn. Trong khi đó, nhạc cụ để tập luyện và con người để truyền dạy đều không quá khó khăn. Như vậy làm sao cho thấy sức sống của nhạc võ trên quê hương của di sản được? Quan trọng là phải làm sao để nhiều người Bình Định hiểu và có khả năng biểu diễn nhạc võ; để việc học, chơi nhạc võ cũng trở nên bình dị, phổ thông như phong trào học võ cổ truyền của thanh thiếu niên trong tỉnh”.