Tổn thương được phát hiện nằm ở mặt sau phân thủy 7 của gan, sát tĩnh mạch chủ dưới, sát cơ hoành.
Sau khi phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân H. đã ổn định
BV Phụ sản Trung ương đã mời bác sĩ BV Việt Đức hội chẩn và xử trí. Phương án được đưa ra là hạ gan phải bằng cách cắt dây chằng tam giác, dây chằng liềm mới bộc lộ tổn thương. Kết quả ca phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được khối thai bị vỡ, đặt ống dẫn lưu ổ bụng và truyền 13 đơn vị máu cho bệnh nhân. Được biết, bệnh nhân có tiền sử chửa ngoài tử cung phải điều trị bằng thuốc.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, dự kiến cuối tuần này có thể xuất viện.
Người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, đây là trường hợp thai ngoài tử cung, nằm ở mặt sau gan rất hiếm gặp. Y văn thế giới hiện cũng mới chỉ ghi nhận khoảng 20 ca mang thai hy hữu như trường hợp của chị H.
Theo BS. Hà, khó khăn lớn nhất của ca bệnh này là tìm ra tổn thương. Nếu để lâu không phát hiện được tổn thương ở đâu thì bệnh nhân sẽ nguy kịch tính mạng. Bệnh nhân H. may mắn thoát khỏi nguy hiểm do được chẩn đoán kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các bác sĩ trong xử lý tổn thương.
Chửa trong ổ bụng: Không thể chủ quan
Trường hợp thai nằm trong ổ bụng rất hiếm gặp (tỉ lệ chỉ khoảng 1,3% các trường hợp chửa ngoài tử cung). Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong do mang thai trong ổ bụng lại cao gấp 7,7 lần so với chửa ở các vị trí khác ngoài tử cung.
Thai trong ổ bụng có thể là ở gan, mật, ruột... Khi mang thai trong ổ bụng, thai phụ dễ chảy máu và có thể choáng do mất máu. Khối thai nằm ở gần túi mật và ruột sẽ gây nên các triệu chứng về đường mật và dạ dày ruột. Thai phụ dễ gặp tình trạng chảy máu, nhiễm trùng, nhiễm độc máu, thiếu máu, đông máu rải rác trong lòng mạch, tắc mạch phổi, hoặc do sự hình thành đường dò giữa túi ối và ruột do xương thai nhi đâm thủng... có thể đe dọa tình mạng.
Thai trong ổ bụng cũng có cơ hội sống sót nhưng không cao. Hầu hết trẻ sinh ra và sống sẽ bị dị dạng. Những dị tật mà thai nhi có thể gặp là vẹo cổ, bất cân xứng khuôn mặt, biến dạng chi, đầu dẹt, và dị dạng lồng ngực...
Khi chẩn đoán thai ổ bụng, các bác sĩ thường phải kiểm tra kỹ lường và liên tục hơn các trường hợp mang thai khác. Nếu cần thiết, chỉ định phẫu thuật được thực hiện để tránh nguy cơ cho mẹ do thai nhi không thể phát triển một cách bình thường.