Địa điểm dự kiến làm thủy điện Drăng Phôk thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, phân khu cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Tại tiểu khu 430, 431, 451 - khu vực vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn, địa điểm dự kiến sẽ xây dựng Nhà máy Thủy điện Drăng Phôk, diện tích rừng còn có cấu trúc khá ổn định, nếu không nói là còn “khá nguyên sinh” theo như đánh giá của kiểm lâm viên Bùi Minh Ngọc, Trạm Kiểm lâm số 9 (Vườn Quốc gia Yok Đôn). Nếu đánh giá đây là khu vực rừng nghèo cần chuyển đổi thì cũng không hoàn toàn chính xác. Bởi với diện tích hơn 115 nghìn ha rừng mà Vườn Quốc gia Yok Đôn đang quản lý thì chủ yếu thuộc hệ sinh thái rừng khộp - kiểu rừng thưa có cây họ dầu chiếm ưu thế. Đây cũng là một loại rừng đặc hữu của Tây Nguyên - Việt Nam nói riêng và của vùng Đông Nam Á nói chung. Nếu nói về trữ lượng gỗ trên một diện tích của loại rừng này có thể là ít, nhưng lại có tác dụng rất lớn với môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu. Nhiều năm nghiên cứu về rừng, Phó giáo sư, tiến sĩ Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng: Đánh giá rừng nghèo hay không, không nên chỉ căn cứ vào trữ lượng gỗ mà còn phải đặt trong điều kiện, đặc tính cụ thể của từng loại rừng. Rừng khộp trữ lượng gỗ ít nhưng lại có giá trị trong bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Là người gắn bó với rừng, anh Đỗ Phạm Nguyên, kiểm lâm viên Trạm Drăng Phôk thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn nhận định: Vị trí xây dựng thủy điện nằm trên tiểu khu 430, 431 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn. Đây cũng là khu vực rừng cây cối đang phát triển, không phải rừng nghèo. Thủy điện xây dựng trong vùng lõi sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cũng như công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Còn với ông Trần Văn Thành, Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn, cho rằng không nên xây dựng công trình thủy điện ở đây bởi nhiều lý do. Thứ nhất, theo tiền lệ, chưa thấy có công trình thủy điện nào lại xây dựng trong vùng lõi của rừng. Khi đưa con người, phương tiện, máy móc vào khai thác, làm đường sẽ tác động rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng vốn đã nhiều khó khăn, phức tạp. Thứ hai, phát triển kinh tế phải nghiên cứu, gắn với bảo đảm tính bền vững, bảo vệ hệ sinh thái, động thực vật và nguồn nước. Nếu chỉ khảo sát thiết kế, đánh giá đây là rừng nghèo theo trữ lượng gỗ và cần phải chuyển đổi thì chưa đầy đủ, thực tế đối với khu vực rừng này phải đánh giá cả trên quan điểm đa dạng sinh học. “Hoa cây cỏ không có giá trị về gỗ nhưng có giá trị về thức ăn cho các loài động vật, giữ nguồn nước và góp phần giữ gìn hệ sinh thái”, ông Thành khẳng định.
Việc có triển khai dự án thủy điện trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn hay không, còn đang chờ phê duyệt báo cáo tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tất nhiên, những dự án được xây dựng luôn luôn kèm theo những thuyết minh để đủ sức hấp dẫn. Nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi, việc giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng, và theo đó là tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, liệu có cấp thiết đến mức phải xé vùng lõi của Vườn quốc gia, phân khu cần được bảo vệ nghiêm ngặt để làm thủy điện? Trong khi đó, trên dòng sông Sêrêpôk đoạn chảy qua tỉnh Dak Lak có chiều dài 125 km hiện đã có 7 công trình thủy điện đang vận hành.