Theo AFP, Snowden đã không xuất hiện công khai từ khi đến Moscow hồi cuối tuần. Giới chức Nga khẳng định anh này đang ở trong khu vực quá cảnh và “có thể tự do rời khỏi”. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một đại diện của Hãng hàng không Aeroflot cho biết không có tên Snowden và người tháp tùng Sarah Harrison, cố vấn pháp lý của WikiLeaks, trong danh sách đăng ký của hãng trong mấy ngày tới.
“Công dân sân bay” nổi tiếng Mehran Karimi Nasseri - Ảnh: Merian.de
Theo tờ The Daily Beast, sân bay Sheremetyevo “không phải là chỗ trốn tồi”. Khu vực quá cảnh của sân bay này bao gồm 3 nhà ga D, E và F luôn được bảo đảm an ninh. Có hàng chục nhà hàng, quán bar và cửa hàng miễn thuế sẵn sàng phục vụ cùng dịch vụ wifi miễn phí, tại khu vực này còn có một trung tâm tư vấn tâm lý hỗ trợ cho những hành khách “sợ bay”. Truyền thông Nga đưa tin Snowden lúc vừa đến Moscow đã đặt phòng tại khách sạn mini Vozdushny Express. The Daily Beast dẫn lời một số người cho biết Vozdushny Express là khách sạn 2 sao, phòng “tương đối nhỏ nhưng bày biện khá đẹp”. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho hay Snowden sắp cạn tiền sau một thời gian trốn tránh tại Hồng Kông nên có nguy cơ phải ra ngủ tại các băng ghế. Vì thế, trong mấy ngày qua, các phóng viên đã lùng sục khắp các nhà hàng và quán bar, thậm chí các hàng ghế trong khu quá cảnh nhưng không tìm thấy Snowden.
Những “người ở đậu” nổi tiếng
Trước Snowden, sân bay Sheremetyevo từng có 3 công dân bất đắc dĩ khác là nhà hoạt động nhân quyền Iran Zahra Kamalfar cùng 2 con. Ba mẹ con Kamalfar đã sống trong khu quá cảnh từ tháng 5.2006-3.2007 trước khi được Canada cấp quy chế tị nạn, theo AP. Trước đó, ông Sanjay Shah sống suốt 13 tháng tại khu vực giữa ga đi quốc tế và quầy hải quan trong phi trường Nairobi, Kenya. Shah tắm rửa trong nhà vệ sinh công cộng và sống bằng của bố thí của nhân viên sân bay cùng hành khách cho tới khi được Anh cấp quyền công dân vào tháng 7.2005.
Nhưng công dân sân bay nổi tiếng nhất là Mehran Karimi Nasseri, một người Iran đã ở 18 năm (tháng 8.1988-7.2006) tại nhà ga số 1 của sân bay Charles de Gaulle của Pháp. Nasseri bị trục xuất khỏi Iran do tham gia chống chính quyền và dự định đến Anh sau khi được LHQ cấp quy chế tị nạn. Tuy nhiên, khi quá cảnh tại Paris, ông đánh mất hồ sơ chứng minh quyền tị nạn và bị kẹt trong “ma trận” quan liêu giấy tờ khiến ông đành chịu kiếp lấy sân bay làm nhà. Nasseri phải ngủ trên băng ghế nhựa với lỉnh kỉnh vali và túi xách xung quanh, nhận đồ ăn từ các nhà hàng thức ăn nhanh trong sân bay. Hằng ngày, Nasseri đọc sách báo và viết nhật ký. Năm 2004, ông phối hợp với tác giả Anh Andrew Donkin xuất bản tự truyện về cuộc sống ở Charles de Gaulle. Đến tháng 7.2006, Nasseri nhập viện chữa bệnh rồi không trở lại sân bay nữa sau khi được một trung tâm từ thiện ở Paris tiếp nhận và sống ở đó cho đến nay, theo BBC. Câu chuyện của Nasseri là nguồn cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng The Terminal năm 2004 với ngôi sao Tom Hanks vào vai một người đàn ông kẹt tại phi trường JFK ở New York.
Kết cục cuối cùng của Snowden vẫn còn là một ẩn số, nhưng đã có nhiều ý kiến so sánh Snowden với Nasseri, nhất là khi nghị sĩ Nga Vladimir Zhirinovsky nhận định trừ phi có hộ chiếu mới, người này “có thể phải ở tại khu vực quá cảnh đến 10 năm”.