Có nhiều ý kiến cho rằng, không lẽ xã hội Việt Nam đã quá tự do phóng khoáng, ai muốn làm gì thì làm, bất chấp dư luận, không cần biết những người xung quanh nghĩ gì? nói gì? Không lẽ không có một điều khoản pháp luật nào cấm đoán các hành vi tương tự?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, hành vi phơi bày thân thể có tính chất khiêu dâm, ca ngợi lối sống tự do, thực dụng (thả rông ngực), trái với truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam hoàn toàn có thể xem xét xử lý bằng pháp luật.
Hành vi này đã trực tiếp xâm phạm truyền thống gìn giữ và phát huy nền văn hóa Việt Nam, có tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Lợi dụng mạng xã hội, thông qua hành vi này, các sản phẩm không đẹp mắt đó, nếu không muốn nói là đồi trụy đã được phổ biến một cách nhanh chóng, rộng rãi đến người xem với tốc độ chóng mặt.
"bà Tưng" liệu có bị pháp luật 'sờ gáy'?
Thoạt nhìn, những hình ảnh, những clip của "bà Tưng" ai cũng nghĩ đó là hình ảnh bình thường, thể hiện cá tính cá nhân, và đó là quyền riêng tư của cô ấy. Nhưng nhìn sâu hơn, đó là những hình ảnh phản cảm, có chủ ý khuyến khích người xem càng nhiều càng tốt để phục vụ một mục đích nào đó.
Nếu đó là quyền cá nhân, hay sự vô tình thì khi có dư luận xấu, "bà Tưng" đã thấy hối tiếc mà rút lại, đằng này cô ấy lại phấn khích và tiếp tục lấn sâu hơn, thậm chí tuyên bố: “sẽ không dừng lại”.
Nếu tôi cho rằng, sản phẩm (hình ảnh, clip) do "bà Tưng" làm ra là văn hóa phẩm đồi trụy, chắc sẽ có ý kiến phản đối, vì hai chữ “đồi trụy” người ta chỉ quen với các sản phẩm văn hóa độc hại.
Nhưng thử suy nghĩ sâu xa hơn một chút, sản phẩm này cũng độc hại, cũng nguy hiểm không kém các sản phẩm văn hóa đồi trụy khác: Trước hết, nó không phải là một tác phẩm nghệ thuật, vì chính tác giả cũng thừa nhận điều đó, làm vì sự nổi tiếng và thích sóng gió.
Thứ hai, nó có tính chất khiêu dâm, khuyến khích khiêu dâm.
Thứ ba, hình ảnh và thông điệp kèm theo trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là lối sống của thanh thiếu niên.
Thứ tư, nó đã được cố ý phổ biến và lan truyền một cách mạnh mẽ đến một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, đặc biệt là giới trẻ - tầng lớp dễ bị kích động nhất.
Như vậy, hành vi truyền bá những hình ảnh phản cảm là có, nhưng chưa chắc có dấu hiệu của hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại điều 252 Bộ luật Hình sự.
Khái niệm “văn hóa phẩm đồi trụy” vẫn chưa được giải thích chính thống trong các văn bản luật. Vì vậy, hành vi này có bị xử lý hay không sẽ là vấn đề còn phải tranh cãi và tùy vào mức độ, tính chất của từng hành vi để xem xét xử lý hành chính hay hình sự.
Để rõ hơn, có thể tham khảo cách giải thích từ “đồi trụy” quy định tại Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ như sau: Đồi trụy là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Có phải sản phẩm của "bà Tưng" là văn hóa phẩm đồi trụy hay không? Xin nhường lời cho các cơ quan chức năng!