Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một thời ăn chơi trác táng, đến lúc nhìn lại mình, anh Phan Văn Kha (SN 1980, thôn 3, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã thân tàn ma dại. Trong cơn bĩ cực, thấy cảnh vợ trẻ cùng con thơ ôm nhau khóc, anh thanh niên đã quyết tâm tự đào hố cai nghiện, làm lại cuộc đời…
Bán rẻ cuộc đời cho nàng tiên nâu!
Năm 2007, Kha gần như đã bị cuộc đời chối bỏ khi tấm “thân tàn ma dại” đã kinh qua hơn 15 năm chìm trong nghiện ngập. Không giấu giếm bản thân trước đây, anh kể, do hoàn cảnh gia đình khá éo le; là đứa con ngoài giá thú, mãi 20 năm sau cha mới nhận mặt; mẹ mất khi chưa đủ nhận thức, người chị cùng mẹ khác cha phải xin sữa khắp nơi để nuôi lớn…
Anh Kha trong khu vườn gió bầu của mình |
Không kịp biết đến con chữ, anh đã phải quăng mình vào đời mưu sinh rồi theo chúng bạn lần đến những “thánh địa của vàng” (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) lúc bấy giờ. Thời gian này, chủ bãi đào đãi vàng thường cho người làm công dùng ma túy trước khi xuống hầm sâu để “lấy dũng khí”, rồi sau đó trả lương bằng thứ bột trắng chết người này nhằm “trói chân” phu đào vàng. Kha cũng không ngoại lệ, khi đã thành nô lệ của “ả phù dung”, bao nhiêu tiền của làm ra vẫn không đáp ứng được “đô” nghiện ngày một tăng. “Ban đầu hít, sau chuyển qua chích, bể hết cả ven, thân xác tiều tụy. Hàng trăm đứa dùng chung kim tiêm rồi nhiễm AIDS, trở về nhà tháng trước, tháng sau đã “xanh cỏ”, Kha nhớ lại.
Tuy nhiên, cũng năm 2007, ngày trở về thăm nhà, Kha bắt gặp và bị hớp hồn bởi cô bé Huỳnh Thị Hà (1988) ở gần nhà, nay đã lớn và đang là nữ sinh cấp 3. Anh Kha nói thành thật rằng đối với anh, gái gú, ma túy, rượu chè không có món nào mà anh không thành thục. Nhưng khi gặp lại Hà, anh mới cảm nhận được mình biết “yêu” thực sự. Nhưng Hà nhỏ hơn những 8 tuổi, lại đang đi học, còn phận mình vốn chết danh “thằng nghiện”, biết làm sao “cua” cho được. “Đến chừ vẫn không hiểu vì răng, chắc do duyên số”- lời của Hà thú nhận, khi biết hoàn cảnh của Kha như vậy, nhưng cô bé hàng xóm vẫn đem lòng quý mến và gật đầu đồng ý khi Kha ngỏ lời yêu.
Không cưới xin, chỉ lễ hỏi nhỏ - do “ăn cơm trước kẻng” Hà sắp đến ngày sinh, rồi cả 2 về sống với nhau. “Hồi nớ anh Kha nghiện nặng lắm, nhưng em vẫn chấp nhận vì em nghĩ, từ tình yêu chân thành của mình sẽ làm ảnh thay đổi. Nhưng sự thật không giản đơn chút mô hết. Năm 2008, em sinh con đầu lòng, mà ảnh vẫn bỏ nhà đi biền biệt, đi hết bãi vàng ni đến bãi vàng kia, rồi chuyển sang nghề cõng hàng thuê lên các huyện miền núi. Trong nhà không có tiền, ảnh lại không hề gửi chi về phụ giúp, nên em đành ôm con về nhờ nhà ngoại. Cuối năm 2008, ảnh lại về quê, dấm dúi đi lại với bạn nghiện, lôi hết những thứ có thể từ bàn ghế, chiếc xe đạp cũ, xoong nồi… đem bán. Đến khi nhà trống trơn, ảnh tuyên bố bán nhà. Thế nhưng, chẳng ai dám mua vì không nỡ trước tình cảnh mẹ con em nheo nhóc nằm khóc lóc, van xin" - Hà kể lại.
Trong cơn bĩ cực: không tiền nuôi vợ con, không tiền mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện… Kha đã không ít lần tặc lưỡi rồi “bỏ quách” vợ con và xách ba lô đi tiếp. “Đi chán cũng phải về, đầu năm 2009, tết nhất mà trong nhà chẳng có thứ chi ăn. Nửa đêm nằm nghe con trai khóc vì đói sữa, vợ dỗ miết không nín cũng khóc theo, tôi chợt bừng tỉnh, trong đầu tự nhiên muốn bản thân phải thay đổi”, anh Kha nói. Mà thay đổi như thế nào vẫn chưa biết, anh chỉ nghĩ, một là tự tử để khỏi khổ vợ khổ con; hai là phải cai nghiện ma túy mới tự giải thoát được.
Sáng hôm sau, anh lặng lẽ khăn gói xuống TP.Tam Kỳ làm xét nghiệm HIV, bởi đám bạn nghiện cùng thời với anh như Ba Đông (Tiên Cảnh), Nguyễn Bảy (Tiên Kỳ), 2 anh em Lê Văn Phương, Lê Văn Thành (Tiên An) đều đã chết vì nhiễm HIV. May mắn cho anh, cả 3 lần xét nghiệm đều ra kết quả âm tính. Nghĩ trời còn thương mình, còn cho cơ hội sửa sai, Kha mừng rỡ về thông báo tin vui với vợ rồi bày tỏ ý định sẽ đi cai nghiện ma túy.
Làm lại cuộc đời!
Ngày chúng tôi tìm hỏi anh Phan Văn Kha, thông tin về người thanh niên này đã bay xa khắp tỉnh Quảng Nam. Nằm lọt giữa rừng cây gió bầu xanh mướt, căn nhà cấp bốn của anh Kha nay đã rộn tiếng cười với đủ cả “nếp lẫn tẻ”. “Có lẽ trời thương khi tui biết quay đầu lại”, anh mở lời trước khi trải lòng về phương pháp tự tách mình ra khỏi “cộng đồng”, vào núi, vùi mình dưới hố nước cai nghiện ma túy. Anh giải thích, mình suốt ngày bu bám trong môi trường toàn nghiện ngập, làm sao không “nhiễm”.
Cứ thử ở một vùng hẻo lánh, tách biệt với dân cư, khi ấy, có lên “cơn” cũng phải ráng chịu trận thôi. Nói là làm, một mình Kha mang theo máy rà kim loại, khăn gói vào khu vực Suối Dưa ở xã Tiên Lập (cũng thuộc huyện Tiên Phước, vùng dân tộc Cơ Tu sinh sống) dựng lán trại, rà tìm phế liệu. Mỗi khi lên cơn nghiện, Kha lại ngâm mình dưới nước, trong những cái hố đào sẵn cho đến lúc đầu óc tỉnh táo. Gần 3 tháng, Kha một mình sống trong núi sâu, không giao tiếp với ai, cơn nghiện vật vã thưa dần và dứt hẳn.
Khi đã cai nghiện thành công, Kha quay về chăm sóc vợ con và quyết tâm làm lại cuộc đời. Biết ý chí của anh, gia đình vợ, người dân địa phương cũng không còn coi khinh mà sẵn sàng giúp vốn để anh làm ăn. Bên nhà vợ cho 5ha đất rẫy, anh cật lực trồng trọt phủ xanh mướt một đồi keo. Khu vườn quanh nhà, tài sản của bà mẹ quá cố bị người khác chiếm dụng nay cũng trả cho anh trồng gió bầu (để lấy trầm). Quần quật bám rẫy, vườn, hết việc anh lại đi làm thuê, hễ ai gọi gì cũng nhận, miễn đổi công sức kiếm đồng tiền chân chính mang về cho vợ nuôi con, lo cái ăn trong nhà.
Hơn ba năm lao động cật lực, Kha khoe đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy, sức khỏe ngày càng tốt lên. Vợ con anh cũng đã biết đến “ăn ngon mặt đẹp”, kinh tế gia đình đang từng bước cải thiện. Anh tính, sau khi thu hoạch lứa keo đầu tiên, có tiền rồi, anh sẽ phát triển mạnh mô hình kinh tế vườn rừng, kết hợp chăn nuôi… quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình…
Nói đến anh Kha, lãnh đạo địa phương này luôn bày tỏ sự nể phục và cho rằng, đây là tấm gương để nhiều người noi theo. “Chốt” lại vấn đề, trung tá Nguyễn Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an huyện Tiên Phước) nhấn mạnh: “Điểm nhấn trong câu chuyện này là nghị lực được chắp cánh bởi tình yêu thương và lòng nhân ái.