Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quan điểm mới về vấn đề kinh doanh và quyền con người Tin ảnh

(13:58:52 PM 28/06/2013)
(Tin Môi Trường) - Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế do Viện hàn lâm Khoa học xã hội và Trung tâm nhân quyền Na uy tổ chức trong 2 ngày 27-28/6 tại Hà Nội, các nhà khoa học đưa ra nhiều quan điểm về kinh doanh và quyền con người. Trong đó Giáo sư, Tiến sĩ Luật Surya Deva, Đại học thành phố Hồng Kông đưa ra nhận định khá mới là kinh doanh và quyền con người hay kinh doanh quyền con người.


 Kinh doanh vì quyền con người

Kinh doanh và quyền con người là một lĩnh vực rộng lớn. Các chủ thể hoạt động chính trong lĩnh vực quyền con người là các tập đoàn đa quốc gia, nhà nước, thể chế quốc tế, tổ chức phi chính phủ, nghiệp đoàn, người tiêu dùng, nhà đầu tư, luật sư và tất nhiên cả các học giả. Thực tế, nhiều chủ thể hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh và quyền con người đã không thực sự có cam kết một cách nghiêm túc, họ sử dụng quyền con người để đạt được lợi ích kinh tế. Một kịch bản như vậy cần mô tả một cách phù hợp hơn, như là “kinh doanh quyền con người” chứ không phải “kinh doanh và quyền con người”.

 

Ảnh minh họa



Các công ty cần tôn trọng quyền con người vì các yếu tố cốt yếu liên quan đến chi phí – lợi nhuận. Nếu một công ty chú trọng đến quyền con người, họ sẽ có một lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ trên thị trường. Lợi thế này có thể đạt được bởi sự thiện chí có được trong những người cùng chia sẻ lợi ích khi họ quan sát vấn đề quyền con người. Sự thiện chí này có được sẽ góp phần thúc đẩy việc bán sản phẩm của công ty, mời gọi thêm nhiều người tiêu dùng, cũng như chiêu mộ được người làm việc có chất lượng tốt hơn và có thể dẫn đến cả việc tăng giá sản phẩm.


Thêm nữa, các công ty cần cam kết tuân thủ quyền con người như một chiến lược quản lý rủi ro. Việc phớt lờ các tiêu chí quyền con người khi đưa ra các quyết định kinh doanh có thể làm công ty mất lợi nhuận, dự án bị đình trệ, chịu phí tổn pháp lý, sự tẩy chay của người tiêu dùng và sự phản ứng dữ dội của báo chí và công luận.

Đề cập đến vai trò của nhà nước trong việc quản lý các tập đoàn đa quốc gia, nhiều dẫn chứng cho thấy rằng, hiện nay hầu hết các quốc gia đang dựa vào thúc đẩy phát triển đầu tư và ưu tiên phát triển kinh tế, chú trọng vào việc tạo ra môi trường thân thiện với các hoạt động đầu tư, nhất là khi có sự cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài, mà chưa thực sự nhìn nhận quyền con người như một phần tất yếu của quá trình phát triển.


Trong thời gian gần đây, các hiệp ước đầu tư song phương đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc tạo ra quyền lợi cho các bên thứ ba không trực tiếp tham gia ký kết. Các hiệp ước này không yêu cầu công ty phải có nghĩa vụ liên quan đến quyền con người, ngay cả khi họ có thể trao quyền cho các đảng phái trong nhà nước để thực hiện nghĩa vụ quyền con người. Vì thế các hiệp ước này khiến tình trạng thiếu cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của các công ty theo pháp luật quốc tế ngày càng thêm trầm trọng.

Nhân văn hóa hoạt động kinh doanh

Giải pháp cho vấn đề này, theo Giáo sư Surya Deva, đi trên con đường quyền con người là một công việc tốn kém và để làm được điều đó phải có những sự hy sinh và đánh đổi cũng như cần phải có sự đồng thuận, có thỏa ước giữa các bên bằng đối thoại và đàm phán để thực hiện trách nhiệm cho những nghĩa vụ ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, kết quả đến đâu thì chưa thể rõ ràng. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng khả năng của mình để giảm thiểu việc vi phạm quyền con người.

Trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập, các chính phủ rất cần có các quy định có hiệu lực xuyên biên giới để kiểm soát nhiều lĩnh vực nhằm hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo pháp luật quốc gia cũng như quốc tế. Các quy định hiệu lực xuyên biên giới thậm chí còn có thể khắc phục những điểm không phù hợp hiện đang tồn tại giữa các quy định cũ và các hành vi kinh doanh vi phạm quyền con người vượt ngoài giới hạn địa phương, lãnh thổ. Từ trước đến nay, chính quyền đã sử dụng các quy định này để kiểm soát các hoạt động lạm quyền quốc tế như chế độ nô lệ, diệt chủng, vi phạm bản quyền… cũng như các hoạt động đáng lo ngại ngày càng gia tăng như ma túy, hối lộ, khủng bố, buôn bán và làm dụng tình dục trẻ em…

Mỗi người cũng như các chủ thể khác như các công ty, tổ chức phi chính phủ, các nhà nước và tổ chức quốc tế sẵn sàng và thiện chí cùng đi trên con đường quyền con người, nếu không mục đích “nhân văn hóa hoạt động kinh doanh” sẽ còn xa vời.

(TTXVN)